MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Doanh nghiệp bị áp thuế 45 tỉ đồng dù doanh thu chỉ đạt 100 tỉ đồng

PHẠM ĐÔNG - NGÔ CƯỜNG LDO | 31/10/2023 19:10

Theo đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước, Quảng Nam có một doanh nghiệp sân golf có diện tích trên 60 ha, doanh thu 100 tỉ đồng nhưng phải đóng thuế tới 45 tỉ đồng dù đang gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp phải gồng mình với các khoản thuế

Chiều 31.10, phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nhắc nhiều đến vấn đề khó khăn của doanh nghiệp.

Theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp cho biết những khó khăn hiện nay rất lớn. Đặc biệt là khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, gánh nặng thuế và giá cả biến động, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việc tiếp cận các nguồn vốn vay hiện nay rất khó khăn, nhất là các khoản vay trung và dài hạn do điều kiện vay nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp, hầu hết chỉ có thể tiếp cận được khoản vay ngắn hạn.

Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, các khoản thu của doanh nghiệp chậm được thu hồi, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển. Các ngân hàng hầu như không chấp nhận những tài sản này để làm tài sản đảm bảo, đây chính là rào cản rất lớn để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay.

Nguồn vốn khan hiếm, đơn hàng ít, hàng tồn kho và luân chuyển chậm; các chính sách thuế chưa đồng hành cùng những khó khăn của doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp phải gồng mình với các khoản thuế, ngay cả việc áp thuế, cách tính thuế gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu ví dụ như ở Quảng Nam có một doanh nghiệp sân golf có diện tích trên 60 ha, doanh thu 100 tỉ đồng nhưng phải đóng thuế tới 45 tỉ đồng. Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và cũng đã kiến nghị rất nhiều lần, vì cách tính thuế là áp thuế theo tuyến đường chính trên diện tích cả 60 ha thì doanh nghiệp không thể chịu nổi.

Bên cạnh đó, giá cả thị trường thường xuyên biến động và tăng cao, nhất là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, trong khi nhiều đơn giá của Nhà nước chậm thay đổi và còn quá thấp.

Các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, phải thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt chậm tiến độ, còn hơn là để thua lỗ vì giá cả tăng cao. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Từ những thực trạng trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực hơn.

Doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng, Chính phủ cần thiết kế các gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Trước mắt là cần tập trung khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn.

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Thắng

Xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại, lãi suất cho vay vẫn còn cao, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân còn lớn.

Ngoài ra, cơ chế cho vay còn phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn hoặc do khả năng nhận đơn hàng đầu ra bị giảm sút, doanh nghiệp không còn nhu cầu vay vốn.

Do đó, đại biểu đề nghị, bên cạnh việc xem xét, điều chỉnh hạ lãi suất thì cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế.

Theo đại biểu, điều này không chỉ giúp nền kinh tế phục hồi một cách nhanh chóng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.

Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay. Đồng thời có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn