MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản - Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) phát biểu trực tuyến. Ảnh: VGP

Doanh nghiệp FDI mong Chính phủ rút ngắn thời gian phê duyệt dự án

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/04/2023 13:50

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp mong Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. 

Ngày 22.4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, tại hội nghị, ông Michael Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao, giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) mong muốn Việt Nam đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.

Ông Michael Michalak cho biết Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hòa carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm.

Ông đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA).

Về thúc đẩy nhanh thủ tục hành chính, ông Masayoshi Fujimoto - Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản - Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) mong muốn Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn đến môi trường đầu tư ở Việt Nam. Nếu tình trạng chậm trễ trong việc phê duyệt các dự án được giải quyết trong thời gian tới sẽ rất hữu ích và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Còn ông Nitin Kapoor - Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Ông Gabor Fluit, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, mặc dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Với tình hình kinh tế hiện nay, Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.

Chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng, điều này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.

Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU.

Về thuế và phí, Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. 

Ngoài ra, việc hài hòa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA. Khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. 

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham). Ảnh: VGP

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) thông tin, hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm ngoái đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỉ USD.

"Hiện nay chúng tôi có tiếp nhận một số kiến nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc mới vào đầu tư tại Việt Nam về một số khó khăn liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy...", ông Hong Sun nói.

Ông tin rằng, nếu Chính phủ quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn