MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phạm Đông

Doanh nghiệp khó khăn, lao động mất việc, cần giải pháp tháo gỡ kịp thời

NHÓM PV LDO | 25/05/2023 11:57

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu tại họp tổ Quốc hội sáng 25.5, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) cho biết, tình trạng từ cuối 2022, những tháng đầu 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, tuy nhiên, đời sống người dân thì còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới. Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Đây cũng là vấn đề được phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm.

Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử ở nhiều vùng, miền trên cả nước.

Đại biểu cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.

Đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đề nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cũng đề nghị tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, khuyến khích phân khúc nhà ở vừa túi tiền, giải quyết nhu cầu ở thực, minh bạch thông tin về thị trường, giảm chi phí trung gian môi giới.

“Những người thu nhập trung bình có thể sở hữu nhà là rất khó khăn, cơ chế chính sách khuyến khích làm sao phát triển phân khúc trung cấp. Nhiều khu dân cư mới những đất để không là rất nhiều. Thị trường bất động sản làm sao tháo gỡ, làm cho thị trường phục hồi, khơi thông một nguồn lực rất lớn”, ông Thắng nói.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Đông

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cần sớm sửa đổi mức thuế thu nhập cá nhân vì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp với biến động mặt bằng giá, chi phí sinh hoạt bị đội lên rất cao. Đặc biệt, chi phí sinh hoạt của các gia đình sống ở đô thị đều tăng trong khi mức thu nhập không tăng mà có phần giảm.

“Quy định thuế thu nhập cá nhân hiện nay tính đến 7 bậc là cao, cần giảm bớt bậc. Cũng cần điều chỉnh các bậc và giãn khoảng cách thu nhập, đảm bảo điều tiết giữa các mức thu nhập. Tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát và sửa đổi, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, bắt kịp đời sống trong nước”, bà nói.

Doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Quảng Trị) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế mở, dễ dàng chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Hiện tại, chính sách tiền tệ các nước đang thắt chặt để chống lạm phát. Cộng hưởng thêm là ảnh hưởng từ xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, dịch bệnh, thiên tai… làm đứt gãy các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông nhấn mạnh, thách thức các quý tới là rất khó khăn bởi để đạt được mục tiêu chung 6,5% cả năm 2023 thì các quý tới phải đạt trung bình 7,5%. Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, giải quyết nhiều ách tắc, tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng.

Ông nhận định doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.

Thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ cố gắng tháo gỡ dòng tiền để doanh nghiệp có tiền trả nợ đến hạn, đóng thuế, trả lương cho nhân viên, dùng làm vốn lưu động... Còn một vấn đề nữa là tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính.

Ông cho biết, hiện nhiều địa phương chậm giải quyết các thủ tục hành chính kiến các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn. Điều này cản trở hoạt động doanh nghiệp, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

“Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm lại việc giải quyết công việc. Điều này làm khó khăn thêm cho nền kinh tế. Đề nghị các đại biểu Quốc hội giám sát luôn ở địa phương mình, để các địa phương nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế”, ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn