MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.

"Doanh nghiệp ngồi khoe với nhau về... thành tích trốn thuế"

Xuân Hùng - Thành Trung LDO | 12/11/2018 13:24
“Ở nước ngoài, hành vi trốn thuế bị phạt rất nặng và bị cộng đồng lên án thì ở ta, việc trốn thuế được coi như thành tích, nhiều doanh nghiệp (DN) ngồi khoe với nhau thành tích trốn thuế này” – đại biểu Dương Quốc Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) phát biểu ở tổ về Dự Luật Quản lý thuế sáng 12.11.

Trốn thuế nhưng vẫn xài xe sang, nhà lầu 

ĐB Dương Quốc Anh cho rằng, việc thông qua dự án Luật Quản lý thuế rất quan trọng vì thực tế thời gian qua, thu chi ngân sách luôn rất khó khăn, thu chỉ đủ chi thường xuyên, chi đầu tư bị hạn chế. Việc thu thuế ngày càng khó khăn hơn khi chúng ta gia nhập các thoả thuận cấp khu vực ASEAN. Nhiều hàng rào thuế giảm hoặc bỏ, tới đây là CPTPP, và EVFTA thì việc thu thuế càng có nhiều biến động, khó khăn hơn.

Theo ĐB Dương Quốc Anh, với các nước khác, tính tự giác nộp thuế rất cao nhưng ở Việt Nam chủ nợ thuế rất nhiều nhưng vẫn ở nhà sang, đi xe sang. “DN ngồi uống bia rượu khoe với nhau về “thành tích” trốn thuế. Quan niệm trốn thuế như “thành tích” nên họ chẳng lấy làm xấu hổ, không coi trọng việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế” – ĐB Quốc Anh phản ánh.

Cũng theo vị đại biểu có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thuế này, lâu nay, có tình trạng chung chi giữa cán bộ thuế và đối tượng nộp thuế. Thực tế, việc nhận thuế khoán là biểu hiện rõ của vấn đề này.

“Đáng lẽ hộ kinh doanh phải nộp thuế cho Nhà nước 10 đồng nhưng họ thông đồng với cán bộ thuế, chỉ nộp khoán 1 – 2 đồng thôi” – ĐB nói.

Doanh nghiệp nhỏ, trốn thuế lớn

Cho ý kiến về dự án luật, ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) – Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng cho hay, việc ấn định thuế khoán cần được quy định chặt chẽ, chi tiết hơn, và phải nghiêm túc thực hiện bán hàng phải xuất hoá đơn.

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cũng cho rằng, dự thảo luật đã đề cập đến việc quản lý thuế kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể và hộ gia đình là một sự tiến bộ.

Theo ĐB này: “Chúng ta vẫn duy trì lâu nay hình thức khoán với hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ này. Nhưng thực chất gọi là siêu nhỏ do họ không thành lập doanh nghiệp chứ còn doanh thu của họ rất lớn và họ trốn thuế rất nhiều. Cho nên ta thường nói câu là “dân giàu mà nước không mạnh” là vì lực lượng này không được quản lý. Họ xuất hàng không có hoá đơn, không có cách nào thu thuế”, ông Bình nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Quang Dũng cho rằng, trong dự luật cần quy định rõ: Cơ quan thuế phải có trách nhiệm chuyển giao kịp thời hồ sơ cho cơ quan điều tra khi phát hiện tình trạng trốn thuế vì đây là vấn đề chuyên ngành.

Phân tích muôn trạng của việc trốn thuế, ĐB Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam - chỉ rõ, lâu nay rất nhiều DN đăng ký thành lập một nơi nhưng lại hoạt động nơi khác, đặc biệt các DN trong ngành khai thách khoáng sản. Đối với các DN này, dù địa phương nơi DN hoạt động đã hỗ trợ và chịu ảnh hưởng nhiều từ hoạt động của DN nhưng không thể quản lý, thu thế. Quy định như lâu nay là bất cập, cần sửa đổi theo hướng DN phải kê khai đăng ký nộp thuế tại nơi phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.

Quy định lâu nay chỉ thực hiện phạt nộp chậm (trong hạn 90 ngày) mức nộp chỉ 0,03% so với lãi suất ngân hàng thấp hơn, đề nghị tăng lên ít nhất 0,05% hoặc giao Chính phủ quy định theo hướng bám sát lãi suất ngân hàng.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn