MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh QH

Doanh nghiệp sẽ quyết định thang, bảng lương thay vì Nhà nước

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 11/11/2021 10:19

Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tiền lương trong khu vực doanh nghiệp thời gian tới sẽ có thay đổi căn bản theo hướng lương là giá cả của sức lao động và hài hòa lợi ích.

Lương sẽ là giá cả của sức lao động

Sáng nay (11.11), trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) về vấn đề chính sách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết do tình hình dịch bệnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ cho phép lùi việc thực hiện chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp chậm lại. Hiện nay, chính sách đang được tiến hành thí điểm ở một số tập đoàn, làm cơ sở rút kinh nghiệm triển khai trên quy mô cả nước.

“Thời gian tới, lương sẽ được xác định là giá cả của sức lao động. Chính vì vậy, chúng ta phải trả lương theo nguyên tắc thị trường và trên cơ sở có sự can thiệp nhất định của Nhà nước, nhưng trong chừng mực, cho phép và đề cao vai trò của người sử dụng lao động”, Bộ trưởng Dung nói.

Trong đó, lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp và người sử dụng lao động sẽ quyết định thang, bảng lương, thay vì Nhà nước. Thứ hai, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về nguyên tắc mức lương, thu nhập dựa trên sự phát triển của doanh nghiệp, phúc lợi của người lao động và mức lương tối thiểu vùng.

Để xác định được mức lương tối thiểu vùng, Nhà nước dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp và bài toán hài hòa lợi ích.

Hỗ trợ vốn vay cho lao động phi chính thức

Đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc tạo điều kiện cho người lao động phi chính thức, các hộ kinh doanh tiếp cận vốn vay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ đồng tình và cho biết trong chương trình phục hồi của ngành lao động sẽ đề nghị tăng cường vốn vay cho người lao động. Ông cũng cho biết việc tiếp cận vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm rất có hiệu quả, hiện nợ đọng rất thấp.

Thứ hai, Bộ trưởng cho biết, trong Quyết định 2086 của Thủ tướng về giải quyết đất ở, nước sinh hoạt… có thể áp dụng những tiêu chí này để hỗ trợ. Đồng thời ông cũng cho biết có thể căn cứ vào Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo để hỗ trợ thêm nguồn lực cho các trường hợp đủ điều kiện.

5 năm tới, dự báo có tới 1/3 công việc thay đổi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định chúng ta có lực lượng lao động dồi dào với 55 triệu người nhưng cùng lúc chúng ta phải giải quyết 2 bài toán. Một là nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung. Hai là các xu hướng tác động của cuộc cách công nghệ lần thứ 4 sẽ làm thay đổi bản chất công việc.

Theo dự báo, 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu khi kỹ năng lao động không được nâng lên.

“Mục tiêu chúng ta đặt ra là đến 2025 có khoảng 30-35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Và đến 2030 phấn đấu 40-45%”, ông Dung nói và cho biết đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn. Ông đưa ra giải pháp đào tạo nâng cao tay nghề, thích ứng nhu cầu mới thông qua doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lao động, Chính phủ có chủ trương, chính sách hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và G20. Chính phủ đã và đang chỉ đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ cũng cho phép hình thành 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này, thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm mà ta còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao.

“Ba trung tâm vùng ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ được thành lập theo tinh thần đó”, ông Dung thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn