MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Minh Thành

Đổi mới cách nghĩ, cách làm khi cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Phạm Đông LDO | 12/10/2021 18:51
Cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đưa các nội dung đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Cần sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

Chiều 12.10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Chính phủ cũng nhận định thời gian tới khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Theo ông Dũng trước bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Chính vì vậy, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đặt ra 5 quan điểm; 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng như xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Phiên họp thứ 4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 12.10.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra tại kế hoạch cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân. Đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao.

Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế...

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước. Đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

“Cần có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đổi mới hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao” – ông Vũ Hồng Thanh nói.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị rà soát, thu gọn tập trung vào các chương trình, đề án thực sự quan trọng, cần thiết, phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn