MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công cầu Cửa Lục 1 bắc qua vịnh Cửa Lục (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Hùng

Đổi mới tư duy phát triển và tầm nhìn

Nguyễn Hùng LDO | 09/01/2021 08:20
Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh tập trung tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; đồng thời tiếp tục phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông để kết nối nhanh Quảng Ninh với thế giới và khu vực, cũng như khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương.

Những trái ngọt đầu tiên

Ngày 18.11.2020, Tập đoàn hàng đầu thế giới Foxconn đã cho ra mắt lô sản phẩm thiết bị đầu tiên do tập đoàn này sản xuất sau đúng 1 năm thực hiện đầu tư tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Theo kế hoạch, trong thời gian ngắn tới, nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao, chủ yếu xuất Slovakia, Mexico, Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và tivi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỉ USD vào những năm tiếp theo. KCN này cũng vừa có thêm 9 dự án FDI khác, với tổng số vốn gần 160 triệu USD, đều tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, được kỳ vọng tạo công ăn việc làm ổn định cho 4.000 lao động địa phương.

Trong khi đó, Tập đoàn Thành Công - nhà sản xuất, lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam - đã khởi công xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô lớn tại KCN Việt Hưng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tổ hợp này được xây dựng trên tổng diện tích 340ha với vị trí chiến lược, nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện cho cả giao thương nội địa và quốc tế. Tương lai của Tổ hợp sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao. Điều này sẽ dễ dàng tạo ra sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Đồng thời, những sản phẩm của Tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu, mang giá trị của ngành công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới.

Theo ông Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh - Hiện đơn vị này đang hướng 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng chuyên về chế biến, chế tạo hiện đại các thủ tục để chuẩn bị đầu tư vào Quảng Ninh. Tới đây, mặt bằng các KCN Sông Khoai của Tập đoàn Amata (Thái Lan), KCN Việt Hưng... cùng với các quy hoạch tiếp theo của Khu kinh tế Vân Đồn được hoàn thiện, Quảng Ninh sẽ đón thêm nhiều nhà đầu tư lớn - hiện đã đến tìm hiểu cơ hội.

Quảng Ninh xác định, 5 năm tới phải tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo về thu hút tổng vốn đầu tư, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao, lao động kỹ năng tay nghề cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tiếp tục đột phá hạ tầng giao thông

Nhiệm kỳ vừa qua, Quảng Ninh được coi là một điển hình trong cả nước về phát triển hạ tầng giao thông, với sân bay tư nhân Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và hàng loạt các tuyến đường kết nối các khu đô thị, KCN, các cấp huyện với nhau.

Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, trong nhiệm kỳ tới, vấn đề này cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Quảng Ninh.

Những ngày này, trên khắp tỉnh Quảng Ninh, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được các nhà thầu thi công rầm rộ. Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (dài trên 80km), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, sẽ thông suốt từ Hà Nội đi biên giới Móng Cái và đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số đường cao tốc dài nhất nước (khoảng 200km).

Các tuyến đường trục kết nối trong Khu Kinh tế Vân Đồn cơ bản đã hoàn thành. Đường bao biển nối Hạ Long với TP.Cẩm Phả cũng đang được các nhà thầu tích cực thi công. Xung quanh vịnh Cửa Lục - được xác định là trung tâm của TP.Hạ Long - cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 2 và đường nối KCN Cái Lân với KCN Việt Hưng cũng đang dần hình thành, được kỳ vọng sẽ mở ra một không gian mới phát triển cho Quảng Ninh.

Để kết nối nhanh hơn nữa với các tỉnh, thành trong khu vực, Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương vừa khánh thành cầu Triều, kết nối giữa thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Quảng Ninh cũng đã thống nhất với Hải Phòng xây dựng cầu thay thế phà Rừng nối giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Ngoài ra, dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, dài 26,5km, cũng sẽ được Quảng Ninh ưu tiên nguồn vốn để đầu tư trong nhiệm kỳ này, nhằm mở ra một không gian phát triển mới về phía Tây của Quảng Ninh. Hiện, giai đoạn 1 của dự án này đang được thi công.

Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, 3 đột phá chiến lược của Quảng Ninh ở nhiệm kỳ trước, trong đó có đột phá hạ tầng giao thông, đã thu hút nhiều du khách và nhà đầu tư tầm cỡ đến với Quảng Ninh. Trong nhiệm kỳ này, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh cũng như với thế giới và các tỉnh, thành trong cả nước tương đối hoàn chỉnh, sẽ góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn