MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: D.Tiến.

Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng

Hà Liên LDO | 16/08/2018 15:26
Phát biểu tại phiên toàn thể: “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao 30 sáng 16.8, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, lưu ý 4 điểm chính về tình hình quốc tế và khu vực liên quan tới công tác đối ngoại. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trước hết, trên bình diện toàn cầu, sức mạnh tổng thể của các nước thay đổi, các nước lớn đều quyết liệt và quyết đoán hơn. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, việc điều chỉnh chính sách chiến lược của Mỹ, sự vươn ra của Nhật Bản, quyết tâm trở lại vị trí siêu cường của Nga… càng làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược, tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới.

Đáng chú ý, những cơ chế toàn cầu, gồm hệ thống Bretton Wood (IMF, WB…), các tổ chức quốc tế lớn (Liên Hợp Quốc, UNESCO…), các cơ chế khu vực (EU, G7…) xuất hiện nhiều rạn nứt nghiêm trọng, thậm chí có những cơ chế bị mất vai trò ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế.

Lưu ý thứ 2 được Chủ tịch Quốc hội đề cập là tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế được đánh giá khá tích cực. Những kết quả này cho thấy sự đan xen về lợi ích, tạo cơ hội để các nước củng cố quan hệ, tăng cường sự tập hợp lực lượng phục vụ cho phát triển và hiện thực hóa các tính toán chiến lược của mình.

Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng này đang bị tác động mạnh bởi bảo hộ thương mại và trào lưu dân túy. Điều đáng lo ngại là các nước lớn chủ trương gia tăng sử dụng các biện pháp kinh tế như một trong những công cụ cạnh tranh chiến lược, răn đe, trừng phạt lẫn nhau khiến nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng.

Trong lưu ý thứ 3, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực phát triển rất năng động, cũng là nơi các nước lớn cọ sát quyết liệt và tập hợp lực lượng rất linh hoạt trên cơ sở lợi ích. Cục diện khu vực bị giằng xé giữa bảo hộ và liên kết. Tuy nhiên, các sáng kiến như: “Vành đai, con đường”, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, CPTPP, APEC, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt vẫn tiếp tục là cơ chế quan trọng thúc đẩy liên kết đa tầng nấc ở khu vực.

Trong nội dung thứ 4, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: "Nguyên nhân thì có rất nhiều, song tôi cho rằng gốc rễ sâu xa của những biến động này là tác động sâu, mạnh và lan tỏa nhanh của các biến đổi lớn trong cục diện kinh tế, khoa học công nghệ, chính trị an ninh khu vực và thế giới tác động trực tiếp tới người dân và cộng đồng".

Trước những vận hội và thách thức mới, khả năng thích ứng cũng như kỳ vọng của mỗi người dân là động lực quan trọng thúc đẩy những điều chỉnh và thay đổi này, đòi hỏi chính phủ và quốc hội các nước, trong đó có Việt Nam phải đổi mới, có biện pháp hiệu quả, phù hợp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn