MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học còn nhiều khó khăn. Ảnh: Hải Nguyễn

Đời sống của giáo viên sẽ được cải thiện khi cải cách tiền lương

PHẠM ĐÔNG LDO | 17/11/2023 11:14

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đời sống của giáo viên sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Giảm 17 tổng cục, 10 cục

Sáng 17.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 10 cục; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ.

Đối với sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn ở địa phương giảm được 7 sở, 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện.

Về số lượng cấp phó của tổ chức hành chính: Đối với bộ, ngành, sau khi sắp xếp tổ chức của các bộ, ngành sẽ phải thực hiện giảm theo lộ trình đối với 61 lãnh đạo cấp tổng cục (14 tổng cục trưởng và 47 phó tổng cục trưởng), 17 lãnh đạo cấp cục thuộc bộ, 63 lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ, 404 lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc tổng cục.

Đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.

Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2021, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý năm 2021 là 247.722 biên chế, giảm 27.530 biên chế, tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015 (275.252 người), đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Đảng.

Để bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định để giao biên chế giai đoạn 5 năm (2022-2026) cho các cơ quan của hệ thống chính trị.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính, thu gọn tổ chức bộ máy, giảm biên chế cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019-2021 khoảng 2.008,63 tỉ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỉ đồng (giảm chi tiền lương và phụ cấp là 787,84 tỉ đồng, giảm chi hoạt động là 344,79 tỉ đồng).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VPQH

Đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học còn nhiều khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các địa phương, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, trong đó đối với năm học 2022-2023 đã bổ sung 27.850 biên chế giáo viên.

Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, trong đó có quy định các địa phương chưa được giao đủ định mức sẽ được ký hợp đồng đối với giáo viên theo quy định, bảo đảm kịp thời bố trí đủ nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục công lập.

Về thực hiện cải cách chính sách tiền lương, trong đó có tiền lương cho đội ngũ giáo viên, Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Trong đó, đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (dự kiến thực hiện từ ngày 1.7.2024).

Đối với giáo viên mầm non, tiểu học được hưởng lương và các chế độ phụ cấp lương theo địa bàn hoặc theo công việc đảm nhiệm như đối với viên chức nói chung và còn được hưởng các chế độ ưu đãi như: Phụ cấp ưu đãi nhà giáo; phụ cấp thâm niên nghề (dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội).

Đối với nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng: Phụ cấp thu hút; phụ cấp ưu đãi theo nghề (70%); phụ cấp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp; phụ cấp lưu động; phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Mặc dù được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập (tiền lương và phụ cấp) cao hơn so với ngành, nghề khác nhưng đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đời sống của giáo viên sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn