MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đời sống người lao động gặp khó khăn khiến việc rút bảo hiểm xã hội tăng

Phạm Đông LDO | 11/05/2022 17:19
Theo Chủ tịch Quốc hội, không phải người lao động không thấy được lợi ích thiết thực của việc duy trì bảo hiểm xã hội để sau này hưởng lương hưu. Tuy nhiên, giai đoạn này đời sống người dân gặp khó khăn, do đó việc rút bảo hiểm tăng lên.

Chiều 11.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4.2022.

Đề cập đến vấn đề y tế - giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 nay đã khác. Tuy nhiên, hướng dẫn của cơ quan chức năng có thẩm quyền, ví dụ như vấn đề 5K bây giờ như thế nào? Hay cử tri còn có ý kiến khác nhau về tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-12 tuổi.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo của Ban Dân nguyện nên nghiên cứu, xem xét vấn đề này. Thông tin diễn biến tiêm vaccine, diễn biến tâm lý, tư tưởng của nhân dân về vấn đề này. Đồng thời đánh giá thêm dư luận của quần chúng nhân dân về vấn đề đưa học sinh trở lại trường học, thi tuyển, sách giáo khoa...

Vấn đề tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội đề cập là tác động nặng nề của dịch COVID-19 đến đời sống của người dân, nhất là công nhân, người lao động, những đối tượng khó khăn; vấn đề giá cả tăng, giá xăng tăng cũng ảnh hưởng tới người dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần. Không phải người lao động không thấy được lợi ích thiết thực của việc duy trì bảo hiểm xã hội để sau này hưởng lương hưu. Tuy nhiên, quan trọng nhất giai đoạn này là vấn đề đời sống người dân gặp khó khăn, do đó việc rút bảo hiểm tăng lên.

Ngoài ra là đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu cho khối sản xuất. Ban đầu ý kiến của các cơ quan còn khác nhau, sau đó đã được tổng hợp, trình lên Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội chỉ quyết định lương tối thiểu của khu vực công (công nhân viên chức), lương tối thiểu vùng thuộc trách nhiệm của Hội đồng tiền lương (bao gồm Bộ Lao động Thương binh & xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

"Tôi hứa sẽ trao đổi với đồng chí Thủ tướng và Chính phủ về vấn đề này" - Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết công nhân, viên chức cũng khó khăn, nhiều người có hệ số lương thấp vì chưa điều chỉnh tiền lương. Tất cả đều đang chờ cải cách tiền lương.

Riêng với việc tăng lương khu vực sản xuất, khu vực doanh nghiệp là vấn đề lớn cần tổng hợp, đánh giá.

Bên cạnh đó, cử tri lo lắng và băn khoăn về sự bất ổn của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Qua vụ việc của Tân Hoàng Minh cho thấy khả năng trả nợ đến đâu, mức độ nào là vấn đề cử tri băn khoăn. Cử tri và nhân dân mong muốn phải thiết lập lại trật tự, kỷ cương, gia tăng ổn định, phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán, vốn, tiền tệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ cơ bản nhất trí và đánh giá cao 2 báo cáo của Ban Dân nguyện. Đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến giải trình và bổ sung của các bộ ngành để hoàn thiện báo cáo.

Đề nghị Ban Dân nguyện bổ sung và làm rõ thêm các lĩnh vực y tế, học đường, tình hình giá cả, tâm tư, nguyện vọng của người dân, vấn đề rút bảo hiểm một lần, thời điểm tăng lương cho khối sản xuất, những lo lắng băn khoăn về thị trường chứng khoan, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...

Riêng với báo cáo giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ông Trần Quang Phương đề nghị cần chuyển thể thành thông báo cho các cơ quan liên quan để tập trung chỉ đạo giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn