MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Đối thoại với nông dân phải tiến bộ, làm ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc

PHẠM ĐÔNG LDO | 30/12/2023 15:28

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau đối thoại phải có tiến bộ, điều cuối cùng là phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, đường sá…, thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân.

Nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực

Chiều 30.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Theo Văn phòng Chính phủ, phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đánh giá tình hình, những việc đã làm một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, bao trùm; đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới để thực hiện mục tiêu "nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái", trí thức hóa nông dân.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đối thoại thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, sau đối thoại phải có tiến bộ.

Trong đó, điều cuối cùng là phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, đường sá…, thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân, với tinh thần nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực.

Gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, qua 4 lần tổ chức hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Việc này đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn. Ảnh: Phạm Hưng

Qua chuẩn bị hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp hội, hội viên nông dân cả nước; đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Thứ nhất, bà con nông dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, nhiều ý kiến, đề xuất, nguyện vọng quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành.

Vai trò của người nông dân trong thực hiện Chương trình giảm phát thải ròng khí nhà kính của Việt Nam về 0 vào năm 2050 theo cam kết mà Việt Nam đã cùng với 150 nước tham gia ký kết tại Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu COP26.

Thứ ba, nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp như hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số.

Thứ tư, về các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững.

Trong đó, nhiều kiến nghị mong muốn Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư vào việc quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; gắn với xây dựng nhà máy chế biến, tạo chuỗi giá trị bền vững, hài hòa lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Thứ năm, các ý kiến, kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương.

Ngoài ra còn có tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống.

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn