MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh PV

"Đối tượng chính sách, người nghèo cơ bản đã nhận tiền hỗ trợ do COVID-19"

VƯƠNG LIÊN ĐÔNG LDO | 02/06/2020 18:37

Chiều tối nay (2.6), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2020.

Đây là buổi họp báo Chính phủ đầu tiên tiến hành bình thường trở lại như thông lệ thay vì phải thực hiện quy định giãn cách do dịch COVID-19.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã dành 1 ngày để họp phiên họp thường kỳ tháng 5 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay, cả nước đã chuyển sang ngày 46 không có dịch bệnh trong cộng đồng. Đây là một điều rất đáng mừng. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm có nhiều điểm tích cực.

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản tháng 5.2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ.

Số liệu thống kê cho thấy, hậu giãn cách, trong tháng 5.2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu du lịch, lữ hành 5 tháng đầu năm ước đạt 8,3 nghìn tỉ đồng, giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,7%).

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, về tình hình hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, việc này đã được triển khai rộng khắp trên nhiều tỉnh, thành phố.

"Các đối tượng chính sách, đối tượng người có công, đối tượng nghèo cơ bản đã nhận đủ hết tiền hỗ trợ. Các địa phương cũng đang xử lý các đối tượng là công nhân lao động bị mất việc, nhỡ việc, nợ lương... Các địa phương, các doanh nghiệp cũng đang thực hiện việc này" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho biết nhiều địa phương làm rất tốt như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng...

Cũng theo số liệu thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 khiến đơn hàng giảm mạnh. Song tín hiệu mừng là Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu sau 5 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4.2020 chỉ đạt 17.583 triệu USD, thấp hơn 2.117 triệu USD so với số ước tính trước đó. Sang tháng 5, con số ước tính tích cực hơn, với 18,5 tỉ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỉ USD.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Tổng cục Thống kê nhận định, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó, gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước tính đạt 529,6 nghìn tỉ đồng, bằng 35% dự toán năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn