MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương (Ảnh: QH)

Đối tượng mua bán người thường lợi dụng các trang mạng xã hội để lừa gạt nạn nhân

Hải Dũng LDO | 23/08/2018 13:10
Sáng 23.8, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời gian qua, tình hình mua bán người đã có chiều hướng phức tạp, trải rộng trên phạm vi cả nước. Luật Phòng chống mua bán người đã được Quốc hội thông qua từ 2012, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được có không ít những hạn chế, bất cập.

Tình hình mua bán người thời gian gần đây rất phức tạp, có những vụ gây bức xúc lớn trong dư luận, đa phần nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Trên cơ sở đó, phiên giải trình lần này nhằm làm rõ thực trạng, những hạn chế bất cập và các giải pháp hiệu quả trong việc phòng chống mua bán người.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, trong thời gian trên, có 37 địa phương tiếp nhận hơn 1 nghìn tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người, toàn bộ tin tố giác đều được xác minh, xử lý. Các cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hơn 1 nghìn vụ án, hơn 2 nghìn bị can.

Bộ Công an cho rằng, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại nhiều dưới dạng nguy cơ và có khả năng xảy ra trên địa bàn khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người. Trên thực tế, tội phạm mua bán người đã phát hiện xảy ra, có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mua bán người xảy ra ở hai dạng: Mua bán trong nước (bán vào nhà hàng, quán karaoke, caphê trá hình, massage…), song chủ yếu là buôn bán người ra nước ngoài, chiếm trên 85% số vụ, tập trung chủ yếu qua biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó sang Trung Quốc chiếm tới 75%.

Theo thống kê của Bộ Công an, số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán hơn là 3 nghìn, số nạn nhân đã trở về là hơn 2.500, còn trên 500 nạn nhân chưa trở về.

Theo Thứ trưởng Lê Qúy Vương, việc điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo, đối tượng và hành vi phạm tội mới bị phát hiện, điều tra.

Đối với những vụ án mua bán người, đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội, có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân, tức không có lời khai bị hại, hoặc nạn nhân chưa tố giác, các cơ quan tố tụng cho rằng chưa đủ chứng cứ để khởi tố điều tra và xử lý đối tượng.

Đối với những vụ án mua bán người tuy chưa giải cứu được nạn nhân nhưng đã rõ đối tượng, có đủ chứng cứ về hành vi mua bán người của đối tượng, Bộ Công an đề nghị TANDTC chủ trì hoặc thống nhất với VKSNDTC và Bộ Công an có văn bản hướng dẫn địa phương tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố xét xử vụ án và các đối tượng này.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, các đối tượng hoạt động thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia, với những phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đối tượng thường triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để lừa gạt nạn nhân như thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, Wechat…), sử dụng tên giả, địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên giới để lừa bán ra nước ngoài; lừa gạt thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi… Gần đây còn nổi lên tình trạng tìm người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc, hứa giới thiệu việc lương cao, sau đó bán cho các chủ tàu khai thác hải sản trên biển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn