MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cùng thân nhân liệt sĩ đang di quách các liệt sĩ về nơi an nghỉ. Ảnh: H.A.C

Đồng Nai: Truy điệu và an táng liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa

HÀ ANH CHIẾN LDO | 13/07/2017 09:53
Ngày 12.7, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa đêm 31.1.1968.

Tới dự lễ truy điệu có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch Nước, và nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. 66 gia đình thân nhân liệt sĩ từ 23 tỉnh, thành trên cả nước cũng đã tập trung về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai để gặp gỡ và tiễn đưa những người chồng, người cha, người anh về nơi yên nghỉ.

“Em ở nhà nuôi dạy con cái cho tốt!”

Đó là những lời căn dặn trước lúc lên đường làm nhiệm vụ của liệt sĩ Vũ Văn Cường (SN 1937, quê Thanh Hóa), mà bà Vũ Thị Hoa (SN 1964) được nghe kể lại. Bà Hoa là cô con gái duy nhất còn sống của liệt sĩ Vũ Văn Cường. Khi liệt sĩ Cường tái ngũ vào miền Nam chiến đấu thì bà Hoa mới được 2 tuổi. Những ký ức tuổi thơ về cha, bà chỉ được nghe kể lại từ mẹ, nhưng đến nay mẹ đã mất, chỉ còn bà Hoa và chị dâu là bà Nguyễn Thị Ngọc lặn lội vào Đồng Nai để tiễn đưa hài cốt cha về nơi yên nghỉ.

Khi tìm thấy các liệt sĩ, tỉnh Đồng Nai đã xác minh được 72 trường hợp có danh sách và mời người thân của họ tới nhận, nhưng cũng có 6 trường hợp sau nửa thế kỷ, người thân cũng đã không còn ai, chỉ còn 66 trường hợp là còn người thân đến nhận gia đình. Trong 66 trường hợp đó, có nhiều người là con, là vợ. Trong buổi lễ truy điệu ngày 12.7, chúng tôi thấy một người phụ nữ ngoài 70 tuổi, ôm trước ngực di ảnh của một người thanh niên trẻ tuổi - đó là chồng của bà - ông là một liệt sĩ trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa năm 1968 - liệt sĩ Lê Hữu Lễ (SN 1939, quê tỉnh Bình Dương).

Người phụ nữ ấy tên là Tạ Thị Kiều Trung (74 tuổi). Bà Trung nói: Sau ngày hòa bình, tôi đã tìm ông ấy suốt nửa đời người nhưng không tìm thấy được, cứ nghĩ rằng đó là điều nuối tiếc nhất sau này khi qua đời. “Nhưng thật hạnh phúc, vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 lần này, tôi nhận được tin tìm thấy chồng tôi ở sân bay Biên Hòa” - bà Trung xúc động.

Bà Hoa, bà Trung chỉ là hai trong số 66 gia đình thân nhân có mặt tại buổi lễ truy điệu và an táng. Chúng tôi thấy, người thân nào cũng lặng lẽ đứng khóc bên phần quách của người chồng, người anh, người cha mình, nhưng trên khuôn mặt họ hiện rõ sự mãn nguyện khi sau gần nửa thế kỷ, họ đã trở về với gia tộc, với quê hương. Bên mỗi phần quách đều có nắm đất mang từ quê hương vào.

Nỗ lực tri ân những người có công với tổ quốc

Đại tá Mai Xuân Chiến - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai - cho biết: Nhờ nguồn tin của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 1/U1 Biên Hòa và Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7 là những người trực tiếp tham gia chiến đấu đêm 31.1.1968 tại sân bay Biên Hòa và 2 cựu chiến binh Mỹ là ông Bob Connor - nguyên trung sĩ cảnh sát bảo vệ sân bay Biên Hòa, ông Martin Estrones - nguyên đại tá phụ trách quốc phòng trực tiếp đánh giá tình hình thương vong sau trận chiến vào đêm 31.1.1968 tại sân bay Biên Hòa, đồng thời trực tiếp tổ chức hố chôn tập thể liệt sĩ đã cung cấp thông tin.

Tỉnh Đồng Nai đã mời 2 cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam tham gia tìm kiếm theo cứ liệu lịch sử trận đánh Tết Mậu Thân và nguồn thông tin của các cựu chiến binh Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, cựu chiến binh tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa là lực lượng trực tiếp đánh vào sân bay Biên Hòa cho biết, trong trận đánh có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh cả trong và ngoài hàng rào phía đông sân bay Biên Hòa. Theo thông tin của 2 cựu chiến binh Mỹ trực tiếp tổ chức hố chôn có khoảng 150 thi thể bộ đội được chôn cất tại đây.

Ngay lập tức Đồng Nai đã tổ chức tìm kiếm. Cuộc tìm kiếm bắt đầu từ 8h ngày 18.3.2017 đến 17h ngày 17.5.2017 với diện tích tìm kiếm khoảng 3,5ha. Vào lúc 10h20 ngày 13.4.2017, phát hiện hố chôn tập thể liệt sĩ tại khu vực vườn tràm trên hướng đông sân bay Biên Hòa.

Khi những mẫu di vật, những mảnh hài cốt đầu tiên được tìm thấy, đại tá Mai Xuân Chiến và đoàn tiến hành quy tập ai cũng không giấu nổi sự xúc động nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là di vật, hài cốt của các liệt sĩ Sư đoàn 5 và U1 Biên Hòa đã hy sinh năm 1968. Qua quá trình khai quật hố chôn hài cốt tập thể liệt sĩ, chúng tôi tiếp tục tìm thấy rất nhiều phần hài cốt liệt sĩ (xương ống tay, sườn, sọ, răng và nhiều xương mục vụn…) và di vật liệt sĩ gồm có một cặp nhẫn làm bằng vỏ đạn, bi-đông đựng nước, dép rọ bằng nhựa bị cháy một phần, tấm tăng bị cháy, các mặt dây thắt lưng, bật lửa, quai dép râu…”.

Tuy nhiên, một điều khiến ông Chiến chưa cảm thấy mãn nguyện, đó là việc do một tập thể liệt sĩ đã chôn cất quá lâu, gần 50 năm, xương cốt liệt sĩ gần như phân hủy mục nát thành đất lẫn lộn vào nhau nên không thể xác định được số lượng hài cốt liệt sĩ và không thể sắp xếp theo từng bộ hài cốt liệt sĩ.

Với những nỗ lực của tỉnh Đồng Nai đã khiến nhiều thân nhân các gia đình liệt sĩ cảm thấy được an ủi. Bà Nguyễn Hòa Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Tỉnh Đồng Nai muốn tiếp tục bày tỏ sự tri ân và cảm ơn sâu sắc tới gia đình đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và cống hiến cho tổ quốc những người con ưu tú”. Đó, có lẽ là điều mà không chỉ tỉnh Đồng Nai, mà ở trên khắp cả nước đều đang nỗ lực thực hiện.

Tìm thấy những mẩu xương nghi hài cốt liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 12.7, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và Trung tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam - cùng lãnh đạo TPHCM đã khảo sát hiện trường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khu vực Tân Sơn Nhất. Sau 6 ngày (từ 6.7) khảo sát, tìm kiếm, các lực lượng của quân đội đã tìm thấy một số di vật như áo, túi, vải dù, nịt, ví da... Đặc biệt, lực lượng tìm kiếm cũng phát hiện một số mẩu xương, nghi là hài cốt của các chiến sĩ giải phóng quân.M.QUÂN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn