MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP.Hồ Chí Minh). Ảnh Quốc hội

Đợt 2, Kỳ họp 9, QH khoá XIV: Kỳ vọng nhiều ý kiến hiến kế vực dậy nền kinh tế sau đại dịch COVID-19

VƯƠNG CHUNG NGUYÊN LDO | 08/06/2020 06:56

Hôm nay (8.6), tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV bắt đầu họp tập trung (đợt 2) để thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của kỳ họp. Nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ mong muốn đợt họp này sẽ tiếp tục duy trì tinh thần thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới nghị trường. Đặc biệt, các vấn đề hiến kế liên quan tới phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội (Đoàn Đà Nẵng): Mong các ĐBQH hiến kế vực dậy nền kinh tế sau đại dịch

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội. Ảnh: T.Vương

Tại đợt họp trực tuyến (đợt 1) của Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV đã diễn ra tương đối thành công, hiệu quả và đạt được các mục tiêu đề ra. Tại đợt họp trực tuyến, các đại biểu vẫn có đầy đủ các quyền nêu ý kiến, thảo luận, tranh luận thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Không phải chỉ ở Hội trường Diên Hồng mà đại biểu tại các địa phương khác cũng thực hiện được việc này và có nhiều đại biểu địa phương đăng ký rất nhanh.

Trong đợt họp tập trung, cùng với chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian để thảo luận những nội dung quan trọng như: Nhân sự, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội… Đối với đại biểu bao giờ cũng mong muốn chuyển tải nguyện vọng của cử tri tới nghị trường. Lần này, do dịch COVID-19, phương pháp tiếp xúc cử tri của các ĐBQH cũng có những hình thức khác nhau, có nơi tiếp xúc theo hình thức trực tiếp, có nơi qua trực tuyến. Nhưng dù với phương pháp gì đi nữa thì tôi mong rằng các ĐBQH sẽ phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, về những vấn đề cử tri quan tâm tới nghị trường, đồng thời cũng mong các ĐBQH thẳng thắn, bản lĩnh nhưng trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.

Ở đợt 2, kỳ họp này, có phần thảo luận về kinh tế - xã hội, tôi mong muốn các ĐBQH cùng hiến kế, đưa ra các giải pháp để góp phần vực dậy nền kinh tế sau đợt dịch COVID-19 này. Sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, hiện nay có khoảng hơn chục địa phương vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng, không điều chỉnh đi xuống cho thấy có nhiều nơi rất nỗ lực, phấn đấu. Điều này cho thấy quyết tâm của các địa phương.

ĐBQH Tạ Văn Hạ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đoàn Bạc Liêu): Duy trì tinh thần thảo luận sôi nổi, thẳng thắn trong các quyết sách

Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV là kỳ họp rất đặc biệt. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên phải chia thành 2 đợt, vừa họp trực tuyến và họp tập trung. Kỳ họp trực tuyến được đánh giá là bước đầu rất thành công so với những mục tiêu đề ra. Bây giờ tới đợt họp tập trung là kỳ họp để bàn những vấn đề quan trọng của quốc gia, bàn về công tác nhân sự, bàn về việc phát triển kinh tế - xã hội… Tôi kỳ vọng đợt họp này, các ĐBQH sẽ tiếp tục duy trì không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn.

Đáng chú ý, tại kỳ họp trực tiếp này, cử tri cũng quan tâm tới rất nhiều vấn đề quan trọng, những vấn đề nóng, những vấn đề cấp bách đang đặt ra. Cử tri kỳ vọng sau đại dịch COVID-19 thì vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế như thế nào? Kịch bản cho phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu, chỉ tiêu ban đầu được điều chỉnh ra sao và những giải pháp hữu hiệu nào phát triển và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch này.

Bên cạnh đó, cử tri quan tâm nhiều vấn đề nóng, vấn đề đang đặt ra sau đại dịch này. Dịch bệnh khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để đổi mới và phát triển. Việc mà chúng ta biết phát huy những thời cơ, cơ hội đó như ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện chất lượng phục vụ công dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Vấn đề an sinh xã hội, công việc của người lao động bị ảnh hưởng và những hướng khắc phục như thế nào? Đó là những vấn đề cử tri nêu ý kiến và mong muốn có những giải pháp phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP.Hồ Chí Minh): Mong nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn do COVID-19

Tại đợt họp tập trung, nhiều nội dung quan trọng cả về chương trình xây dựng pháp luật cũng như các quyết sách cần Quốc hội quyết định. Nhiều vấn đề mà tôi tin rằng, các vị ĐBQH sẽ thảo luận rất sôi nổi và thẳng thắn để làm cầu nối giữa ý chí nguyện vọng, cử tri tới nghị trường Quốc hội. Liên quan tới các nội dung về nghe báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, tôi cho rằng tác động của dịch bệnh này còn kéo dài. Mặc dù chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa khống chế được hoặc còn đang lúng túng đối phó. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn tới quốc gia có độ mở về kinh tế lớn như nước ta. Việc này cũng ảnh hưởng tới việc phát triển du lịch… 

Dịch bệnh càng kéo dài thì ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ ngày càng lớn. Do vậy, cần những quyết sách mạnh mẽ để phục hồi và phát triển nền kinh tế của nước ta. Cùng với những gói hỗ trợ, kích cầu ngắn hạn thì cũng cần có những chính sách hỗ trợ dài hơi, kịp thời để hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp có thể đứng vững được trước những khó khăn như vậy. Vấn đề về thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động mất việc, người lao động bị ảnh hưởng do dịch… Tôi cũng mong các ĐBQH, các chuyên gia kinh tế sẽ đề xuất và hiến kế được nhiều giải pháp về việc này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn