MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn: Sách trắng VN 2020

Đột phá nhận thức, nâng tầm vai trò kinh tế tư nhân

Minh Bằng LDO | 24/10/2020 07:22
Kinh tế tư nhân (KTTN) được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự thảo văn kiện Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII tiếp tục có những đột phá mới trong nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân.

Quá trình đổi mới và phát triển nhận thức về kinh tế tư nhân

Sau Đại hội VI, việc nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân đã có thay đổi về cơ bản. Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15.7.1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Tiếp đó, trong các văn kiện quan trọng của Đảng, vai trò của KTTN lại được khẳng định: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX tháng 3.2002), “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” đồng thời KTTN chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần kinh tế: Cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân (Nghị quyết Đại hội X tháng 4.2006). Ngoài ra, Đại hội đã thông qua một quyết định rất quan trọng là cho phép đảng viên được làm KTTN.

Đại hội XI năm 2011, vai trò KTTN được nâng tầm cao mới với việc đưa vào Nghị quyết “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Đến Đại hội XII (tháng 1.2016), Báo cáo Chính trị tại Đại hội bên cạnh việc khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” thì lần đầu tiên khái niệm tập đoàn kinh tế tư nhân xuất hiện.

Báo cáo Chính trị Đại hội XII chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Có thể thấy, từ việc thừa nhận kinh tế tư nhân từ năm 1998 cho đến tận Đại hội XII là một bước chuyển lớn, thể hiện sự tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế của Đảng để phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế.

Một năm sau, tháng 7.2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 10-NQ/TW năm 2017 đưa ra quan điểm chỉ đạo:

“Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.

Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Văn Bình đánh giá: “Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta, là tổng hợp những kinh nghiệm, bài học quý báu của hơn 30 năm Đổi mới, là kế thừa có chọn lọc những thành tựu về phát triển kinh tế thị trường của nhân loại. Với việc đánh số 10 cho Nghị quyết này cũng nói lên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta mong muốn nghị quyết mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như chúng ta đã đạt được như với Nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu Đổi mới”.

Nâng tầm vai trò kinh tế tư nhân trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển”.

So với Báo cáo Chính trị Đại hội XII cách đây 4 năm, thì Dự thảo lần này có những điểm mới, cụ thể hơn, rõ ràng hơn: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”.

Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân “phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao” cũng chính là một định hướng để “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia”.

Về những đóng góp của KTTN, Dự thảo báo cáo tổng kết chiến lược phát triển KTXH trình Đại hội XIII nhận định: “Khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong nước (bao gồm doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hộ gia đình) đạt tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ôtô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ. Môi trường kinh doanh được cải thiện, ngày càng thuận lợi hơn; cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký; tinh thần khởi nghiệp lan toả rộng rãi”.

Tuy nhiên Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH cũng chỉ ra những thực tế: “Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng và liên kết khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu”.

Có thể thấy, khu vực KTTN ngày càng có vai trò lớn trong công cuộc phát triển đất nước và đã trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, đóng góp lớn cho GDP của quốc gia. Nhưng vai trò ấy chưa được phát huy thật sự đầy đủ do còn tồn tại những khó khăn, cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và từ bất cập trong công tác quản lý nhà nước rào cản về thể chế với kinh tế tư nhân.

Trong đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa KTTN và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là xác định vai trò của doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp tư nhân. Cần phải coi kinh tế tư nhân là thành phần chính của nền kinh tế và có chính sách ưu tiên phát triển một cách thực chất hơn nữa và cần phân cho kinh tế tư nhân những nguồn lực tích cực. Đồng thời, giảm đóng góp kinh tế của DNNN, những gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì DNNN nên nhường lại để doanh nghiệp tư nhân làm, để các cơ quan bộ, ngành chỉ còn phải tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thậm chí, nhiều lĩnh vực nhà nước đang độc quyền cũng có thể cân nhắc, lựa chọn để doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt, phải công bằng, phải xoá bỏ mọi kỳ thị, định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn