MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh Q.H

Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực

T.VƯƠNG LDO | 05/02/2020 16:58
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này so với quy định hiện hành là tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực.

Ngày 5.2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp 26, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, sau 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ rõ, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên. Các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất; một số quy định thiếu tính khả thi.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh Q.H

Một số nội dung lớn sửa đổi lần này được Chính phủ trình như tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên đến 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; bảo vệ người tiêu dùng từ 100 lên 200 triệu đồng; lĩnh vực báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng và kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng….

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; việc bổ sung 2 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn…

Liên quan đến việc tăng mức phạt tiền tối đa, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi liệu có cần bổ sung nguyên tắc đối với cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính phải thấp hơn mức phạt tiền tối thiểu là hình phạt chính đối với hành vi vi phạm hình sự.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phân tích, trong Luật Giao thông đường bộ, Nghị định trước mức phạt khá thấp, bây giờ mức rất cao. Hay lĩnh vực tiền tệ, ngày trước đổi 100 USD phạt 90 triệu, bây giờ lại hạ thấp mức phạt xuống xuống. Ông Cương cho rằng, việc nâng mức phạt lên và hạ xuống cần phải có sự tính toán.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nhấn mạnh việc sửa đổi phải khắc phục được những tồn tại, bất cập vướng mắc trong quy định của Luật và áp dụng luật trong thực tế; đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống vi phạm hành chính trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn