MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Hùng

Dự kiến 3 phương án tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV

Phạm Đông LDO | 10/12/2021 14:02

Trưa 10.12, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội 

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về đặt tên cho kỳ họp bất thường, đề nghị đặt tên là kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Sau này, nếu có các kỳ họp bất thường khác thì sẽ đánh số theo số thứ tự tiếp theo. Các kỳ họp thường lệ theo luật định sẽ thực hiện các nội dung theo thường lệ.

Tại đợt 1 của phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp không thường kỳ. Về thời gian kỳ họp, nếu cả 4 nội dung nêu trên đủ điều kiện trình Quốc hội thì dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 3,5 ngày (không kể ngày nghỉ). Tổng Thư ký Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến 3 phương án tổ chức kỳ họp.

Trong đó phương án 1 sẽ tổ chức gọn kỳ họp trong năm 2021 (khai mạc vào ngày 27.12, bế mạc vào ngày 31.12); phương án 2 là khai mạc vào ngày 27.12.2021, bế mạc vào ngày 4.1.2022; phương án 3 tổ chức kỳ họp vào đầu tháng 1.2022 (khai mạc ngày 4.1.2022, bế mạc vào ngày 11.1.2022).

Tại kỳ họp, dự kiến Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; trong đó đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Việc chia tổ đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện như kỳ họp thứ hai vừa qua (chia thành 72 tổ đại biểu Quốc hội, trong đó Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội là 1 tổ). Thảo luận về vấn đề này, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đã đầy đủ các căn cứ pháp lý để tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Về thời gian tổ chức kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị tổ chức kỳ họp theo phương án 3 để bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp và tạo điều kiện các cơ quan tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ.

Tuy nhiên, cho rằng cần chuẩn bị kỹ hơn cho kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tổ chức kỳ họp không thường kỳ vào sau Tết Nguyên đán năm 2022.

Phiên họp thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 10.12.

Không phải bằng mọi giá tổ chức kỳ họp bất thường

Phát biểu kết thúc đợt 1, phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đợt 1 của phiên họp đã hoàn thành các nội dung đề ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phải tiếp tục chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan về các nội dung tổ chức kỳ họp không thường kỳ.

Riêng nội dung liên quan đến gói chính sách tài khóa, tiền tệ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế, do đó cần phải có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng hơn nữa. Trong đó phục hồi nhưng phải phát triển bền vững gắn với cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn tới…

Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV với tối đa 4 nội dung Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến.

“Không phải bằng mọi giá tổ chức kỳ họp, phải bảo đảm chất lượng, yêu cầu đề ra thì mới tổ chức kỳ họp không thường kỳ, hoàn thiện nội dung nào thì trình Quốc hội nội dung đó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nếu bảo đảm các điều kiện chuẩn bị, sau đợt 2 của phiên họp thứ 6 sẽ trình Bộ Chính trị xem xét về việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn