MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng (Ảnh: QH)

Dự Luật chăn nuôi: Muốn nuôi động vật cảnh phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Xuân Hải LDO | 01/06/2018 15:57
Chiều 1.6, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Chăn nuôi.

Trình bày tờ trình về dự án Luật chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ việc quản lý động vật bán hoang dã gây nuôi, động vật cảnh. Cụ thể như, đối với các loài động vật bán hoang dã gây nuôi, động vật cảnh đã được quy định cụ thể các điều kiện khi chăn nuôi, kinh doanh đảm bảo an toàn đối với môi trường, đối với con người và kiểm soát được dịch bệnh.

Về vấn đề trên, báo cáo thẩm tra dự án Luật chăn nuôi do Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Về quản lý động vật bán hoang dã gây nuôi, động vật cảnh, Dự thảo Luật Chăn nuôi đã điều chỉnh nhiều đối tượng vật nuôi mới, cơ bản đã phù hợp với thực tiễn phát triển chăn nuôi hiện nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân như nuôi chim, thú cảnh có nguồn gốc tự nhiên để giải trí; nuôi chim yến, nuôi chồn, dúi,... , đem lại giá trị kinh tế cao so với vật nuôi truyền thống. Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu một số ý kiến sau:

Làm rõ đối tượng “động vật bán hoang dã gây nuôi” (khoản 9 Điều 3) và hình thức nuôi bán hoang dã (nuôi lợn rừng, chim yến). Quy mô nuôi động vật bán hoang dã, động vật cảnh ở mức nào thì phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện (khoản 1, Điều 55); kê khai chăn nuôi với UBND cấp xã (điểm c, khoản 1, Điều 56).  Bổ sung quy định về xuất khẩu, nhập khẩu động vật cảnh, động vật bán hoang dã gây nuôi. Bổ sung quy định cách thức xử lý các động vật bán hoang dã gây nuôi trong trường hợp tạm dừng gây nuôi, kinh doanh của các cơ sở chăn nuôi không đáp ứng các yêu cầu về quy định gây nuôi, kinh doanh động vật bán hoang dã gây nuôi tại khoản 3, Điều 55 Dự thảo Luật.

Dự Luật chăn nuôi qui định

Điều 56. Quản lý nuôi động vật cảnh, chó, mèo

1. Điều kiện nuôi động vật cảnh:

a) Động vật cảnh phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;

b) Được tiêm phòng đầy đủ theo quy định về thú y;

c) Cơ sở nuôi động vật cảnh có khả năng tấn công con người phải có chuồng, lồng chắc chắn và các biện pháp khác để ngăn ngừa ảnh hưởng tới con người và các vật nuôi khác; phải kê khai với ủy ban nhân dân cấp xã các thông tin gồm: Tên chủ hộ, địa chỉ, loại và số lượng vật nuôi.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi động vật cảnh:

a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bồi thường thiệt hại khi để động vật cảnh tấn công con người, vật nuôi khác, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

3. Quản lý nuôi chó, mèo:

a) Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;

b) Không thả rông chó; phải đeo rọ mõm và phải có người dắt chó khi cho chó đi ra ngoài;

c) Cơ sở chăn nuôi chó, mèo phải giữ gìn vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh;

d) Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho chính quyền và cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của Luật Thú y.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn