MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, tìm được miếng đất không bị dư lượng hóa chất là cả vấn đề.

Dự thảo Luật Trồng trọt: “Tìm được miếng đất không bị dư lượng hóa chất là cả vấn đề”

Xuân Hải - Lê Phương LDO | 23/05/2018 18:20

Chiều 23.5, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Trồng trọt. Đa số ý kiến bày tỏ lo ngại về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, dư lượng hóa chất, quy hoạch treo,…

ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói, dự án Luật Trồng trọt chưa đề cập đến các vấn đề an toàn thực phẩm, như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. “Tôi nghe là mỗi ngày chúng ta nhập tới 2 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật, cái này đúng không? Nên có một số quy định trong luật để quản lý chặt, đồng bộ không chỉ với phân bón mà cả thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta có kiểm tra, kiểm soát không hay người dân muốn dùng bao nhiêu thì dùng, cứ có nhu cầu là nhập về. Thấy có tăng vọt một số chủng loại, ai chịu trách nhiệm để nông dân phải thực hiện đúng quy trình? Sản phẩm này về lâu về dài rất có hại đến môi trường, nhiều loại thế giới hạn chế, không sử dụng mà chúng ta vẫn dùng, làm hại nguồn nước, hại môi trường”, bà Lan cho hay.

Ngoài ra, theo bà Lan, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đi tìm đất để làm sản phẩm hữu cơ, không hại đến đất, không đụng đến hóa chất nhưng tìm được miếng đất đủ sạch, không bị dư lượng hóa chất là cả một vấn đề. Các doanh nghiệp đi tìm khắp đất nước, lục tung lên nhưng khó tìm được khu đất sạch nào đủ rộng, phải để 3 năm không sử dụng để đất thải loại hết hóa chất, sau đó đo đạc lại (các thông số về môi trường) mới dám sử dụng.

Mặt khác, phải có biện pháp chống hàng giả trong phân bón vì rất tội cho nông dân. Quy định trong luật chưa đủ sức mang tính răn đe, chỉ mới kêu gọi chung chung, nhập vẫn nhập về nhưng kiểm soát trên thị trường thì không nổi. Trong luật trồng trọt phải bao gồm cả những vấn đề này, không thể tách ra được.

Theo ĐB Nguyễn Minh Đức, dự án Luật Trồng trọt nặng về giống cây trồng, còn chuyện cây giống đó mọc lên, trưởng thành, từ 1 vài tháng đến 5 - 10 năm không thấy nói gì, vấn đề canh tác rất sơ sài. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống thì chỉ đề cập đến giống. Ngoài ra, quy hoạch như bắn đạn ghém là không được. Đừng sa đà nhiều về khảo nghiệm, đóng gói… mà nên tập trung vào vấn đề canh tác”, ông Đức nhấn mạnh.

Còn ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, bà không thấy quy định xem người nông dân được gì nếu thực hiện đúng những quy định trong luật này; trách nhiệm của những tổ chức cá nhân có liên quan trong việc định hướng trồng cây gì, khu vực nào trồng cái gì, năm nay trồng bao nhiêu héc-ta thanh long, vải thiều,… quy định về vùng trồng rất mờ nhạt, các tỉnh sẽ tự làm, như cây thanh long trồng hết từ vùng nọ sang vùng kia, không tiêu thụ hết.

Chung quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy hoạch treo là vấn đề rất bất công. “Ông địa phương cầm bản đồ ra vẽ, vẽ xong rồi treo, có chỗ ở Bình Quới Thanh Đa treo hai mấy năm để chờ nhà đầu tư, đến nay hai mấy năm chưa có nhà đầu tư nào vào. Nếu toàn bộ nhà cửa tài sản đang hợp pháp, sinh ra quy hoạch tức là hạn chế quyền của người ta thì phải đền bù. Treo 10 năm thì anh phải treo chức 1 năm. Hai mươi mấy năm thì rất bất công, hiện có nhiều bản đồ vẽ một cái gọi là dự trữ cây xanh, không nhà cửa nào mọc lên, xây nhà cũng không được. Vẽ quy hoạch, xâm phạm đến quyền lợi của người dân thì phải đền bù. Bình Quới Thanh Đa từ lúc lấy nhau, đến lúc có cháu nội cháu ngoại rồi vẫn treo hoài, không xây lên tầng bán cũng không có người mua hoặc mua với giá rẻ mạt. Rất bất công. Đây là vấn nạn trên toàn quốc”, ông Nghĩa bức xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn