MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội sẽ đưa 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố. Ảnh: Thuỳ Chi

Đưa 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố dựa trên tiêu chí nào?

Phạm Đông LDO | 08/10/2021 08:08

Liên quan tới chủ trương Hà Nội đưa 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đề xuất này không quá xa vời. Tuy nhiên, quá trình này cần rà soát lại các tiêu chí như đã quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hàng chính...

Xem xét kỹ lưỡng các tiêu chí lên thành phố

Vừa qua, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP.Hà Nội. Theo tờ trình của UBND TP.Hà Nội, trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, UBND TP.Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch TP.Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý, giai đoạn 5 năm tới, Hà Nội dự kiến đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố. 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội nhận định: Việc thành lập các thành phố trong những thành phố trực thuộc Trung ương là định hướng đã được thể chế hóa tại Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2016. Hiện đang thí điểm tại TP.HCM, cụ thể là TP.Thủ Đức.

Đối với Hà Nội, trước khi mở rộng năm 2008 đã có Sơn Tây là thành phố loại 3 và Hà Đông cũng là thành phố tỉnh lỵ của Hà Tây cũ. Tuy nhiên, sau đó khi mở rộng Hà Nội thì Hà Đông trở thành quận, còn Sơn Tây trở thành thị xã như hiện tại.

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, việc đề xuất 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố cần phải xem xét kỹ lưỡng về mọi mặt. Cần xem xét những tiêu chí khi hiện nay tỉ lệ đô thị hóa của Hà Nội mới đạt 49%, tức là còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra và còn rất thấp so với tiêu chí thành phố đặc biệt, được phân loại từ loại 1-5. Riêng TP.HCM và TP.Hà Nội được phân loại là thành phố đặc biệt.

Trong định hướng đặt ra lần này, Hà Nội cần phấn đấu để đạt mức đô thị hóa là 62%. Với tỉ lệ đô thị hóa như vậy thì nhiều vùng sẽ trở thành đô thị hóa.

“3 huyện trên có thể trở thành quận của đô thị của trung tâm, hoặc có thể là thị xã hoặc mới là thành phố trực thuộc TP.Hà Nội. Như vậy, đề xuất trên là định hướng đúng bởi nó phù hợp với tốc độ đô thị hóa và tỉ lệ đô thị hóa phải làm. Nhưng để xét thì còn nhiều vấn đề”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm phân tích tiếp, thời điểm hiện tại chọn đơn vị nào để lên Thành phố, thì phải căn cứ vào bộ tiêu chí trong Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Trong đó có 5 nhóm tiêu chí và hơn 70 chỉ tiêu cụ thể. Muốn lên thành phố cần đảm bảo những tiêu chí đó.

“Trước đây, chúng ta có thể cho nợ những tiêu chí để phấn đấu, nhưng gần đây chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bao giờ đạt được đủ thì mới được xét duyệt”, ông Nghiêm nói.

Chính vì thế, để có định hướng đưa 3 huyện trên lên thành phố thì Hà Nội cần có đề án, đánh giá, xác định nguồn lực. Sau đó mới có thể đưa định hướng này trở thành thực tiễn và trở thành hiện thực được. Còn hiện tại, để xét các tiêu chí tiêu chuẩn là một câu chuyện dài, cần tính toán kỹ lưỡng từng vùng nhỏ một. Đây là một hệ thống rất phức tạp".

Cũng theo ông Nghiêm, mặc dù đề xuất này không xa vời, vì 3 huyện này đã có trong danh sách được quy hoạch lên quận hoặc thành phố. Tuy nhiên, muốn được chọn thì cần rà soát lại các tiêu chí như đã quy định gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hàng chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác.

Tính toán những chi phí đi kèm khi lên thành phố

Cùng nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi đưa huyện lên thành phố thì đơn vị hành chính đó sẽ có ngân sách riêng, phần nào tự chủ về mặt tài chính. Do đó, 3 trong nhiều yếu tố quan trọng để xem xét chính là dân số, diện tích tự nhiên và GDP. Để huyện lên được thành phố cần lập dự án, phân tích chi phí và lợi ích để đi đến kết luận khoa học.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên. Hà Nội phải có từ 18 quận trở lên, nhưng hiện mới có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị). 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc đưa 3 huyện này thành 3 thành phố vệ tinh phù hợp với điều kiện và tình hình của Hà Nội. Đây đều là 3 đơn vị hành chính gần với trung tâm Hà Nội nên rất dễ dàng trong việc giao thương. Điều này sẽ tạo ra những mặt lợi về việc hưởng ngân sách, thuế, thương hiệu, điểm thu hút tiềm năng cho các đơn vị này. Còn nếu chỉ lên quận thì đương nhiên sẽ không có một thương hiệu, một sự thu hút.

Bên cạnh những mặt lợi ích thì cũng là những áp lực lớn đối với các huyện muốn lên thành phố. Bởi khi lên thành phố, các đơn vị này sẽ phải đóng góp cho ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, những vấn đề đi kèm như chi phí về đường sá, giao thông, cơ quan công sở cũng phải được cơ cấu và nâng cấp lên.

Về đơn vị hành chính muốn trở thành thành phố thuộc cấp tỉnh phải có quy mô dân số 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiên 150 km2 trở lên; có 10 xã trực thuộc trở lên; đã được công nhận đô thị loại 1, 2 hoặc 3; đạt quy định về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, cả 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn đều cơ bản đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc. Trong đó, Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, 23 xã, một thị trấn trực thuộc; Sóc Sơn có diện tích hơn 300 km2, dân số khoảng 350.000 người, có một thị trấn và 25 xã; Mê Linh diện tích hơn 140 km, dân số khoảng 230.000 người, 2 thị trấn và 16 xã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn