MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) trao đổi với Lao Động. Ảnh: Phạm Đông

Đưa bác sĩ tuyến huyện về xã như chiếc áo bị rách, lấy chỗ này vá chỗ khác

NHÓM PV LDO | 30/05/2023 13:47
Nói về việc đưa bác sĩ tuyến huyện về xã khám bệnh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng điều này giống như một chiếc áo bị rách, thay vì lấy vải để vá lại thì chúng ta lại đang khoét một lỗ khác để đắp lên.

Nghịch lý giữa trạm y tế ở miền núi và thành phố

Sáng 30.5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) đã có những chia sẻ về ý kiến nên thử nghiệm, coi y tế xã phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện và bác sĩ tuyến huyện sẽ về xã khám ngoại trú.

Theo quan điểm của bà Lan, tỉnh thành này không bắt buộc phải giống tỉnh thành kia. Trạm y tế rất quan trọng, đặc biệt với tỉnh thành vùng sâu, vùng xa "phải đi bảy quãng đồng", người dân phải đi xa mới đến được bệnh viện.

Tuy nhiên, với những tỉnh, thành phố đông dân thì trạm y tế lại "ế bệnh nhân". Bởi lẽ khi trạm y tế ở ngay sát bệnh viện, bệnh viện tuyến huyện lại gần một bệnh viện đa khoa cấp thành phố thì đương nhiên những tuyến cao hơn sẽ hút được bệnh nhân.

Do vậy theo bà Lan, trạm y tế ở thành phố cần tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, nắm dân số, tiêm chủng. Đối với phòng khám đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm về điều trị thì cần có cơ chế tận dụng hệ thống phòng mạch, phòng khám tư nhân của các bác sĩ, làm bác sĩ gia đình. Việc này giúp người dân không phải đi xa để khám chữa bệnh.

"Chúng ta hay kêu y tế dự phòng thiếu con người, thiếu nhân lực. Việc bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thì rất khó, chẳng có cơ hội học tập gì để tiến lên cả, ít có người đến khám.

Điều này giống như một chiếc áo bị rách, thay vì lấy vải để vá lại thì chúng ta lại đang khoét một lỗ khác để đắp lên. Làm như thế cuối cùng đều hở ra hết", bà Lan lấy ví dụ và cho biết, trong chuyên môn, bác sĩ đa khoa được đào tạo khác, bác sĩ y tế dự phòng khác...

Do vậy, muốn đưa người về trạm y tế thì phải ưu tiên lực lượng cử nhân y tế công cộng và bác sĩ dự phòng bằng cách tăng chỉ tiêu đào tạo, hỗ trợ học bổng.

"Làm được như thế sẽ sòng phẳng hơn là bắt một bác sĩ đa khoa học 6 năm mà không được về bệnh viện, phải về trạm y tế. Làm như thế rất bất công, làm mòn ý chí của họ, thậm chí là thiếu cả nhân lực ở tuyến bệnh viện", bà Lan nói.

Đề xuất tăng lương theo vị trí việc làm, ngành đặc thù

Theo bà Lan, việc ít người muốn về y tế dự phòng làm việc vì lương quá thấp, hưởng lương nhà nước. Lĩnh vực này cũng khó mà xã hội hóa, thu hút được tư nhân đầu tư. Cần xem lại chính sách đãi ngộ tương xứng với những ngành nghề quan trọng cho xã hội như y tế, giáo dục. Bởi hiện nay, lương chính còn không đủ sống chứ chưa nói gì đến lương hưu, gây ra làn sóng nghỉ việc khu vực công. Do đó, phải tăng lương cho xứng đáng, sao cho người dân đủ sống.

Còn việc đưa bác sĩ luân phiên về trạm y tế, đặc biệt là vùng cao sẽ rất khó khăn. Họ cũng là con người, đang ở thành phố lại bị đưa lên miền núi sẽ rất khó. Chỉ có thể một tuần, thậm chí một tháng họ về khám chữa bệnh ở trạm y tế mới khả thi, thực hiện có lộ trình.

Bà Lan đồng tình với quan điểm không thể tăng lương mãi được, ngân sách sẽ không thể gánh nổi. Đây là điểm chúng ta cần nghiên cứu vì tăng lương cơ sở như hiện nay chỉ có ý nghĩa với những người lương cao, ngược lại họ đâu có khó khăn. Với những người mới làm việc thì việc tăng này sẽ rất ít, không đáng là bao.

Theo bà Lan, lương cần được xét, xếp loại theo hướng hoàn thành nhiệm vụ. Bởi những người có cống hiến nổi bật, xuất sắc trong tháng, trong năm đó nhưng thuộc giới trẻ chỉ thêm được một chút; còn người sắp về hưu làm không hiệu quả nhưng lương lại cao chót vót.

"Khi tăng lương phải nghiên cứu, đi vào mục tiêu chứ không dàn trải, cào bằng. Muốn tăng hiệu nghiệm nhất thì phải giảm biên chế. Nếu cứ làm ào ào thì nó giống như vực sâu không đáy, bao nhiêu cũng không đủ", bà Lan nói và ví dụ y tế giống như một mâm cơm, trong đó y tế cơ sở là "xương xẩu", không ai muốn đầu tư.   

Do đó, bà đề nghị lương cần căn cứ vào vị trí việc làm, ngành đặc thù để có một trợ cấp nhất định, nó rất có ý nghĩa.

Một vấn đề được đại biểu quan tâm là cơ chế tài chính y tế. Phải để bác sĩ không cần suy nghĩ chứ cứ mua thiết bị hay thuốc xong bị thanh tra, kiểm tra mua đắt hay rẻ nhưng chưa có quy định cụ thể của luật.

Bà Lan lấy dẫn chứng vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, chúng ta kết luận mua sắm đắt hơn quy định. Khi bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải trả tiền cao hơn từ 3-4 triệu, sau đó cả chi phí là 16-17 triệu đồng.

Sau khi sự việc xảy ra, máy móc bị niêm phong, nếu như người dân cần khám chữa bệnh lại phải sang nước ngoài với giá hàng trăm triệu. Do đó, luật phải quy định thế nào là mua sắm đắt, đắt trong mức cho phép bao nhiêu.

Phát biểu tại hội trường chiều 29.5, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế.

Đồng thời, Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách sử dụng, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế; chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn