MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội chợ kết nối cung cầu đưa hàng nông thôn ra thành thị được ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp PTNT triển khai đẩy mạnh vào dịp cuối năm. Ảnh: Vũ Long

Đưa hàng nông thôn lên thành thị - sự cần thiết kết nối cung cầu

Vũ Long LDO | 04/12/2020 07:50

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến đề xuất triển khai “đưa hàng nông thôn lên thành thị”. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, việc kết nối cung cầu tìm đầu ra cho nông sản Việt, đưa hàng nông thôn lên thành thị càng trở nên cần thiết.

Vừa là sáng kiến, vừa là trách nhiệm

Hồi đáp câu nói của Thủ tướng “Chúng ta đang nói kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa hàng về nông thôn. Hôm nay, chúng ta đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới, chương trình đưa hàng nông thôn lên thành thị”, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Đây là sáng kiến, cũng là nhiệm vụ bắt buộc mà Bộ Công Thương đã và đang thực hiện hàng năm.

“Tất cả các sản phẩm của bà con nông dân, nông thôn sản xuất ra phải được lưu thông, cung ứng ra thành thị vừa giải quyết nhu cầu tiêu dùng cho người thành phố, đồng thời tạo điều kiện để người nông dân có thu nhập cao hơn, kích thích người nông thôn sản xuất tích cực, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn, như lời Thủ tướng nói” - Bà Lê Việt Nga chia sẻ.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, trong dịp cuối năm, việc kết nối, giao thương, đưa hàng nông thôn ra thành thị càng trở nên bức thiết, nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

“Ngay trong sáng nay (4.12), chúng tôi tổ chức chương trình đưa hàng nông thôn là các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh về Hà Nội vào hệ thống siêu thị MM Mega Market Hà Đông. Cũng trong sáng 4.12, chúng tôi phối hợp với tỉnh Cà Mau tổ chức kết nối tiêu thụ các sản phẩm, đặc sản của Cà Mau. Hầu như tuần nào chúng tôi cũng tổ chức các chương trình đưa hàng nông thôn vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Ví dụ Saigon Co.op mỗi ngày thu hút 1 triệu khách hàng, Big C, Hapro… đều có chương trình phân phối hàng nông thôn để kích cầu. Ngoài ra, các hệ thống thương mại đều có chương trình phân phối hàng công nghiệp nông thôn chứ không riêng gì mặt hàng nông sản, thủy sản” - Bà Lê Việt Nga nói.

Không chỉ tổ chức các chương trình kết nối tại Hà Nội, mà Bộ Công Thương còn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trực tiếp đến các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng đặc biệt khó khăn đề tìm hiểu nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hóa nông sản của nông dân để đưa ra thành phố, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm.

“Vùng xa xôi hẻo lánh chúng tôi cũng làm được các chương trình liên kết thương mại rất hiệu quả, đặc biệt là các sản phẩm nông thôn mang tính đại diện vùng miền, các đặc sản, các sản phẩm OCOP được tiêu thụ tốt thông qua chương trình tham quan, du lịch của đại biểu” - Bà Nga phấn khởi nói.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, hầu như tháng nào Trung tâm Xúc tiến thương mại cũng tổ chức các hội chợ nhằm đưa hàng nông thôn ra thành thị, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm của nông dân.

“Trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 20 - AgroViet 2020 diễn ra từ ngày 3-6.12.2020 góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nội địa, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - ông Đào Văn Hồ chia sẻ.

Trong khuôn khổ các hội chợ, các mặt hàng nông lâm thủy hải sản, lương thực, thực phẩm đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm hữu cơ, nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, được chứng nhận OCOP (Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”) điển hình như: Quýt Bắc Sơn, bún ngô Đình Lập, mỳ phở khô Vạn Linh; bánh đa nem làng Chều; nem nướng Hữu Lũng, khoai lang Lộc Bình; cam sành Hà Giang; cam Cao Phong Hòa Bình; gạo ST; gạo Séng cù Lào Cai; gạo Điện Biên; miến dong Na rì; khoai deo Quảng Bình; sữa tươi Ba Vì; mật ong Bạc Hà; chè Tân Cương, chè Shan tuyết Mộc Châu; chè Tủa Chùa; cà phê Đắk Lắk, rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn); chả mực Hạ Long; chả ram tôm đất Bình Định; chả cá thát lát Hậu Giang…

Kích thích đầu tư phát triển nông nghiệp địa phương

Theo ông Đào Văn Hồ, không chỉ hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, các chương trình kết nối tiêu dùng, các hội chợ, triển lãm, chương trình kích cầu còn hội chợ còn mở ra cơ hội cho các tỉnh, thành phố giới thiệu sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh, trực tiếp kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp địa phương.

Là một trong những địa phương tham gia sớm và chuỗi kết nối cung cầu để đưa hàng về các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Giang đã phát huy được ưu thế của vị trí chiến lược quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp hữu cơ. Trong những năm qua thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, song song với việc quy hoạch định hướng lại hàng hóa nông nghiệp gắn với ban hành các cơ chế, chính sách tập trung cho các sản phẩm như cam, chè, mật ong, dược liệu, đại gia súc và chương trình OCOP.

Theo bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đến nay, toàn tỉnh có 7 sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Thực hiện chương trình OCOP, gắn hoạt động kinh tế của làng nghề với thương mại dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Tỉnh Hà Giang đã đánh giá, phân hạng cho 82 sản phẩm đạt 3 sao, 36 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao đề nghị Bộ NNPTNT xem xét, công nhận...

Tăng giá trị sản xuất, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, nhiều sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và đã khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ uy tín, chất lượng, điển hình như: Sản phẩm cam sành Hà Giang có diện tích lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với tổng diện tích trên 6.849ha, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”; sản phẩm chè có sản lượng đứng thứ 3 cả nước (trong đó có 7.200ha trà Shan tuyết cổ thụ) và tại cuộc thi Trà quốc tế 2019 tổ chức tại Pháp, sản phẩm Trà Shan tuyết Cổ thụ Tây Côn Lĩnh của Hà Giang đã đạt được 3 giải thưởng cao nhất.

“Thông qua công tác xúc tiến thương mại một số sản phẩm nông sản của tỉnh Hà Giang đã tạo được thị trường ổn định và tiêu thụ mạnh ở trong nước. Đặc biệt sản phẩm chè đã xuất khẩu sang thị trường một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Châu Âu” - bà Hạnh chia sẻ.

Qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ NNPTNT triển khai hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu. Chỉ tính đến cuối năm 2019, đã có hơn 1.000 cuộc kết nối cung cầu đã được các sở Công Thương tổ chức, cùng với đó trong khuôn khổ đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hiện nay, tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Big C, MM Mega Market, Hapro, lượng hàng Việt Nam chiếm tới trên 90%.

(Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

- Bộ Công Thương)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn