MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Đưa vấn đề nguồn lực chống dịch vào chương trình giám sát trình Quốc hội

Phạm Đông LDO | 19/04/2022 12:48
Trong các chuyên đề được trình để Quốc hội chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao có việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Sáng 19.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. 

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, các chương trình giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đều do các cơ quan tự quyết định.

“Vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra sao? Nên chăng Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng chương trình giám sát từ đầu năm để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tránh những việc nóng, quan trọng, bức xúc lại chưa được giám sát. Những vấn đề được trình giám sát có nội dung quan trọng như việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Vừa qua đã giao cho Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác như thanh tra, điều tra thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là những nội dung người dân cũng yêu cầu làm rõ, cần đúc rút kinh nghiệm. Đồng thời gắn với đó là thực hiện cơ chế chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

"Chúng ta đã có nền tảng, có kết quả thanh tra, kết quả kiểm toán, kết quả của các cơ quan chức năng làm cơ sở cho chúng ta giám sát. Từ đó, chúng ta sẽ đỡ được các biện pháp kỹ thuật, đánh giá được toàn diện hơn" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh ý nghĩa của giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một cách để báo cáo với cử tri và nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề.

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tất cả các chuyên đề được đề xuất giám sát đều trúng và đúng. Tuy nhiên, trong chuyên đề 2 (về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia), theo nghị quyết của Quốc hội, hằng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Theo bà Thúy Anh, tại kỳ họp thứ 4 tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo việc thực hiện từng chương trình của chuyên đề 2. Nếu năm 2023 đưa chuyên đề 2 vào giám sát thì "có thể không có nội dung mới".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng cuối năm 2022, 3 Ủy ban của Quốc hội sẽ phải báo cáo Quốc hội về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, do đó có thể đưa chuyên đề 2 vào giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc.

Dựa vào thảo luận, xin phiếu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề 1, 2, 3, 4 trình Kỳ họp thứ 3 để Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Chuyên đề 1 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chuyên đề 3 liên quan thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4 về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn