MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dưới 1% sản phẩm được tạo ra từ robot trong công nghiệp chế biến chế tạo

Cường Ngô LDO | 14/06/2023 11:45
Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong công nghiệp chế biến chế tạo, có 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D.

Sản xuất thông minh đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức

Sáng 14.6, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành tổ chức Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tình hình mới". Sự kiện thu hút hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo chuyên đề số 1: "Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam", ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo dự báo của Tập đoàn Ericsson cho biết, vào năm 2025, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh.

Hiện tại đã có 7 quốc gia trong khu vực gồm Úc, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G. Việt Nam cũng được Ericsson đánh giá là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G, ước đạt 1,54 tỉ USD vào năm 2030. 

Còn trong báo cáo công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số của UNIDO, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0. Nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Nguyễn Dung

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, công bố tháng 11.2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam có 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D. 

"Như vậy, có thể thấy phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đan xen các khó khăn và thách thức.

Do đó, hội thảo chuyên đề: "Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam" là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng Make in Viet Nam", lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho hay.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Bà Phan Thị Thanh Ngọc - Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số, Công ty Công nghệ thông tin VNPT- IT cho biết, quan điểm của doanh nghiệp về phát triển công nghệ công nghệ số nhanh và bền vững là cần có sự kết hợp giữa tự cường và hợp tác quốc tế; có sự kết hợp giữa nhà nước mạnh và thị trường mạnh.

Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ số phải là trung tâm, lấy chất lượng và thương hiệu Make in Việt Nam làm nền tảng, nhân lực tài năng là then chốt. 

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Ngọc cho rằng, cùng với chính sách ưu đãi đặc thù cho cho doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi vay vốn, cũng cần có chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam thông qua các nguyên tắc, tiêu chí xác định các nền tảng số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài... 

Cấc đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hưng 

Bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc MISA cho biết, Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Thứ nhất, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ có khả năng nhạy bén với các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, khoa học dữ liệu, Internet vạn vật…

Thứ hai, các giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam có giá thành hợp lý, thiết kế phù hợp với đặc thù các đơn vị, tổ chức và cá nhân tại Việt Nam, tối ưu hiệu năng hơn so với những hệ thống phần mềm nước ngoài.

Theo đó, để giải quyết bài toán cho doanh nghiệp Việt, bà Thúy cho hay, doanh nghiệp đã phát triển nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Đây là giải pháp được phát triển theo mô hình hội tụ dữ liệu giúp quản trị mọi hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp bao gồm tài chính - kế toán, marketing - bán hàng, quản trị nhân sự và văn phòng số.

Kiến nghị với Chính phủ, bà Đinh Thị Thuý đề xuất các doanh nghiệp nhà nước nên tập trung làm những nền tảng, hạ tầng số mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, tạo bệ phóng cho người dân và doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ngoài ra, các cơ quan, bộ, ban, ngành cần tập trung xây dựng thể chế chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn đối với phần mềm do tư nhân phát triển, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghệ của người Việt, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghệ thông tin trong nước. 

"Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các giải pháp Make in Viet Nam chất lượng, đồng hành cùng cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn