MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: QH

Đường Vành đai 4 Thủ đô: Làm rõ kế hoạch bố trí vốn với tiến độ triển khai

Phạm Đông LDO | 12/05/2022 18:53

Cùng với dự án đường Vành đai 3 TPHCM, dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chiều nay (12.5).

Quan ngại phát hành trái phiếu cho địa phương vay đầu tư cao tốc

Với dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, theo tờ trình số 126, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với dự án. Dự kiến thời gian thực hiện dự án cơ bản hoàn thành năm 2025. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có dự án đầu tư công áp dụng theo Luật Đầu tư công. Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chưa có quy định việc áp dụng kết hợp các hình thức đầu tư nêu tại tờ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỉ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỉ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỉ đồng vốn BOT. Do đó, hình thức đầu tư của dự án phải là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án.

Một số ý kiến đề nghị đối với các tuyến đường song hành phải được xem xét đồng thời với quy hoạch đô thị dọc theo toàn tuyến. Việc này nhằm bảo đảm phù hợp với việc phát triển các đô thị và các quy hoạch khác đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam không có quy định về khái niệm, tiêu chuẩn, quy mô đường song hành. Do đó, đề nghị cần xác định rõ vai trò, chức năng của đường song hành là đường đô thị.

Tiếp đó, ông Thanh cũng có phân tích về đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư dự án giai đoạn 2024 - 2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm cả nguồn thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường dự án.

Ông Thanh cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Chính phủ không được phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại. Mặc dù, theo tính toán việc phát hành trái phiếu Chính phủ để cho các địa phương vay lại chưa dẫn đến dư nợ công vượt mức trần cho phép.

Tuy nhiên, mức phát hành thêm này sẽ làm tăng mức vay nợ của Chính phủ ngoài phạm vi đã được Quốc hội quyết định. Hơn nữa, việc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân sách.

Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ phát hành có kỳ hạn dài và phải trả lãi hàng năm, trong khi đó, nguồn khai thác quỹ đất phụ thuộc vào hiệu quả triển khai dự án và thị trường. Trường hợp dự án bị kéo dài, phương án tài chính không bảo đảm sẽ không có nguồn để trả nợ gốc, lãi vay. Vì vậy, một số ý kiến quan ngại đối với đề xuất nêu trên.

Thời hạn cơ bản hoàn thành vào năm 2025 có khả thi?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu giải trình rõ kế hoạch bố trí vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án.

“Công tác chuẩn bị đã hết nửa năm 2022, chỉ còn 3,5 năm thôi, thì thời hạn cơ bản hoàn thành vào năm 2025 có khả thi không” - Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý thêm hiện còn nhiều dự án lớn khác đang triển khai, trong khi thời hạn của gói kích thích kinh tế chỉ còn có 2 năm...

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không nên áp dụng cơ chế chính sách đặc thù một cách tràn lan, vì như thế sẽ làm biến dạng môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế về phát hành trái phiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: “Tại sao địa phương không làm mà đề xuất Chính phủ phát hành, trong khi luật đã cho phép?”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn