MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ảnh: VGP

Duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế ASEAN trong bối cảnh COVID-19

Khánh Minh LDO | 11/11/2020 06:47

Bảo đảm sự liền mạch của chuỗi cung ứng, khôi phục giao thương an toàn giữa các nước, ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 là các chủ đề thảo luận tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN ngày 10.11.

Đoàn kết ASEAN: Nhân tố then chốt bảo đảm hòa bình

Chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) sáng 10.11 theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, đây là giai đoạn “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” của ASEAN. ASEAN cần thể hiện sự đoàn kết, gắn bó để có thể hoàn tất các ưu tiên sáng kiến của năm ASEAN 2020, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Cảm ơn sự ủng hộ, hợp tác và phối hợp chặt chẽ của các nước, Phó Thủ tướng khẳng định đây chính là cơ sở giúp Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.

Trao đổi về tình hình quốc tế khu vực, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn với dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng, cạnh tranh giữa các cường quốc chiến lược ngày càng gia tăng cùng các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các đại biểu vẫn thống nhất đánh giá ASEAN đạt được thành công trong xây dựng Cộng đồng, tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN đã tích cực dẫn dắt Hiệp hội, gắn kết, chủ động vượt qua khó khăn, kiên định xây dựng Cộng đồng.

Các Bộ trưởng cũng chỉ ra những nội dung hợp tác cần được tiếp tục thúc đẩy trong quá trình phục hồi và khôi phục tăng trưởng sau đại dịch. Đó chính là cần bảo đảm sự liền mạch của chuỗi cung ứng, khôi phục giao thương an toàn giữa các nước, kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới như RCEP và tăng cường hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua nâng tầm các hoạt động hợp tác giữa các tiểu vùng.

Đề cập tới Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN cơ bản nhất trí, Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực, nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung. Trong bối cảnh này, các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, vai trò quan trọng của Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển. Các Ngoại trưởng tiếp tục kêu gọi thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố DOC, trông đợi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng thành công Bộ Quy tắc COC hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCOLS 1982.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề cao đoàn kết ASEAN, coi đây là nhân tố then chốt trong bảo đảm ASEAN hòa bình, ổn định, độc lập và tự chủ trong môi trường thế giới có nhiều bất ổn, bất định hiện nay. Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Phi thuế quan đối với hàng hoá ứng phó dịch COVID-19

Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 19 chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 chiều 10.11 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì, các Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN rà soát tình hình thực hiện các ưu tiên/sáng kiến trong trụ cột kinh tế do Việt Nam đề xuất trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo đó, 7 trên 13 ưu tiên đã được hoàn thành, bao gồm xây dựng Chỉ số hội nhập số ASEAN, tăng cường thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025; thúc đẩy tài chính bền vững ASEAN; kết nối các Trung tâm đổi mới sáng tạo; thông qua bộ nguyên tắc hướng dẫn thực thi Khung chính sách thanh toán ASEAN cho thanh toán bản lẻ xuyên biên giới; thiết lập hệ thống thông tin thống kê đồng bộ và thống nhất về phát triển bền vững của ASEAN; xây dựng Khung an ninh lương thực chung của ASEAN và Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, 6 sáng kiến còn lại vẫn đang được Việt Nam thúc đẩy triển khai để hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng điểm lại những đề xuất, sáng kiến trong kênh kinh tế nhằm duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi nền kinh tế do ASEAN và các nước đối tác ngoại khối như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhóm nước ASEAN +3 thông qua.

Đặc biệt, tại hội nghị này, các Bộ trưởng đã thông qua và ký kết Biên bản ghi nhớ về xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hoá thiết yếu để ứng phó với dịch COVID-19. Đây là một biện pháp cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Việc kịp thời thông qua các sáng kiến này thể hiện sự chủ động của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, theo đúng tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm ASEAN 2020 của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn