MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV sáng 20.5. Ảnh: TTXVN

EVFTA: Tăng trưởng GDP, tăng thu ngân sách

Đặng Chung - Cao Nguyên - Trần Vương LDO | 21/05/2020 07:58
Ngày 20.5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo Quốc hội về các vấn đề của Hiệp định EVFTA.  Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua hiệp định trong kỳ họp thứ 9. Sự kiện này được xem là “cú hích” quan trọng để giúp Việt Nam phục hồi kinh tế hậu COVID-19, đem lại cơ hội cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.

Thông qua EVFTA sẽ giúp tăng trưởng GDP

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Liên minh Châu Âu lên một tầm cao mới. Nếu hiệp định này được thông qua sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam, trước hết sẽ giúp tăng trưởng GDP.

Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong và sau giai đoạn dịch bệnh.

Về vấn đề liên quan đến Anh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, khi Hiệp định EVFTA được ký kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là thuộc bên tham gia ký kết cùng Việt Nam. Theo Thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có “giai đoạn chuyển tiếp” trước khi chính thức rời khỏi EU. Theo đó, nếu EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp thì Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại.

Tăng thu cho ngân sách nhà nước

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi Hiệp định EVFTA được thông qua, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn. Với EU tối đa là 7 năm và với Việt Nam tối đa là 10 năm (Cá biệt có một số dòng thuế nhạy cảm như thuốc lá, bia, xăng dầu, Việt Nam đạt được lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 15 năm). Việc này sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu ngân sách. Thứ nhất là giảm thu ngân sách do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Thứ hai là tăng thu ngân sách nhà nước do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

“Dự kiến tổng mức giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của EVFTA là 2.537,3 tỉ đồng. Mặt khác, thu ngân sách nhà nước tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030. Như vậy, mức tăng sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng, lợi ích của EVFTA về thu ngân sách có thể sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn”- người đứng đầu ngành Công Thương cho biết.

Về việc sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, các gói thầu thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định chỉ mở cho các nhà thầu của EU; do vậy, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn riêng với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này thay vì phải sửa luật. Ở cấp độ luật, Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.

Trong trường hợp Quốc hội quyết định phê chuẩn EVFTA với phương án sửa luật, các nội dung sửa đổi kèm theo lộ trình cụ thể sẽ được đưa vào Nghị quyết để Quốc hội thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết này, Chính phủ sẽ giao các Bộ, ngành triển khai việc dự thảo luật và trình Quốc hội thông qua để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của Hiệp định.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu:  EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỉ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, lâm sản, đồ uống và thuốc lá), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác).

EVFTA cũng là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ. Đặc biệt, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm.

Các đại biểu đề xuất Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận và biểu dương Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế trong quá trình đàm phán đi đến ký kết hai Hiệp định EVFTA và tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình): EVFTA như con đường cao tốc giúp Vn hội nhập Châu Âu

Có thể nói, giống như một con đường cao tốc hội nhập với Liên minh Châu Âu, EVFTA sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bấm nút phê chuẩn hiệp định, cũng là bấm nút thông xe cho con đường cao tốc quan trọng này. Tuy nhiên, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để đoàn xe doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, hiệu quả trên tuyến đường này.

Để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể lên đường cao tốc hội nhập, chúng ta phải làm ngay những “đường gom”, “lối mở” để vào cao tốc. Đó chính là những luật, những nghị định, thông tư nội luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết. Chúng ta muốn vận hành đường cao tốc thì cần bảo đảm có được các biển báo, chỉ dẫn đầy đủ, rõ ràng. Cũng như vậy, chúng ta muốn doanh nghiệp tận dụng EVFTA thì phải đẩy mạnh và làm thực chất hơn công tác phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đối với doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước có liên quan, đường cao tốc EVFTA không phải là con đường miễn phí. Để doanh nghiệp và đất nước tận dụng được những cơ hội từ đường cao tốc EVFTA, chúng ta phải đầu tư. Với các doanh nghiệp, trước hết phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ Hiệp định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn