MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh PV

Gần 78% số đại biểu Quốc hội ủng hộ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Vương Trần LDO | 05/06/2020 12:30
77,51% số đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 22,25% tán thành không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

317 phiếu ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội về kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm hay không dịch vụ kinh doanh đòi nợ, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Kết quả, trong 409 phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, có 317 phiếu (77,51%) ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 91 phiếu (22,25%) tán thành việc không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 1 phiếu không chọn phương án nào.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng có ý kiến khác.

Trong đó có người đề nghị có quy trình thực hiện dịch vụ này để các doanh nghiệp hoạt động theo các quy định phù hợp pháp luật.

Ý kiến khác đề nghị không có hình thức này trong Luật Đầu tư. Vì các luật hiện hành cũng đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ, nếu quy định nội dung này trong Luật Đầu tư sẽ tạo ra một hành vi “đòi nợ” trái pháp luật, một số đại biểu cho rằng không quản lý được thì “cấm” là không chính xác.

Trong khi đó, có ý kiến đồng ý không quy định cấm nhưng gợi ý nên đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ”.

Việc này để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời có những điều kiện kinh doanh cụ thể quản lý, chế tài, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để ngành nghề này lành mạnh không biến tướng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.

 Nhiều ý kiến tranh luận liên quan

Trước đó, tại phiên thảo luận trực tuyến về nội dung này trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), các đại biểu chủ yếu có 2 luồng ý kiến: Quy định cấm hoặc không quy định cấm dịch vụ đòi nợ.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh – cũng cho rằng “không thể không cấm loại hình kinh doanh đòi nợ thuê”.

"Có lẽ đã có thời gian để tất cả chúng ta quan sát. Không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ, ba trợn ba trạo. Công cụ lao động để đạt được mục đích ở đây là dao kiếm và phương thức lao động là dùng vũ lực, đe dọa" - ông Bộ nói.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) dẫn chứng các con số: Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8.2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).

Bà cho rằng thực tế thời gian qua, đa số các loại hình đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh và phần lớn là các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ. Vì thế cần thiết phải cấm loại hình kinh doanh này.

Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) góp ý không cấm dịch vụ đòi nợ. Theo ông nên tham khảo một số nước như Thái Lan, Mỹ. Ví dụ, quy định điều kiện thành lập cũng như quy trình thu hồi nợ hết sức chuẩn mực, thậm chí quy định thời gian được gọi điện thoại cho khách nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn