MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch Nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV sáng 24.3. Ảnh: TTXVN

Gần dân, trọng dân, toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc

Đặng Chung - Đông Phương LDO | 25/03/2021 09:13
Sáng 24.3, trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch Nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trong mọi thời điểm, Chủ tịch Nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn. Trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế.

Trong công tác tư pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cho biết, việc xét đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch Nước được thực hiện hết sức thận trọng, chặt chẽ vì đây là vấn đề liên quan tới sinh mệnh con người. Nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Nước và Phó Chủ tịch Nước đã nhận được trên 43.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Trong đó phần lớn liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách. Chủ tịch Nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch Nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch Nước xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Nước đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng liên quan tới lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Nước ta đã xây dựng một loạt chiến lược quốc phòng, an ninh bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong mọi thời điểm, Chủ tịch Nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn. Trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Đề xuất 6 nhiệm vụ trong thời gian tới

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: Trong thời gian tới, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội và nhân dân, Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch Nước sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.

Trong đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW ngày 29.7.2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp.

Thứ ba, tham gia chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Thứ tư, tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và có sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Thứ năm, quan tâm lãnh đạo và tổ chức, triển khai các phong trào Thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, gắn các phong trào Thi đua yêu nước với việc “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ sáu, chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch Nước tiếp tục triển khai Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin, quan hệ phối hợp công tác với các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn