MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tỉnh ven biển ĐBSCL thu hút ngày càng nhiều các dự án điện gió có vốn đầu tư lớn. Ảnh: Nhật Hồ

Gắn kết, thu hút doanh nghiệp và “xây tổ đón đại bàng”

NHÓM PV LDO | 17/03/2021 11:43
“Gắn” và “Giàu” là hai trong 8 thông điệp “8G” của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị lần thứ 3 về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra tại TP.Cần Thơ sáng 13.3. Hai chữ “G” này tại Đồng bằng sông Cửu Long xem ra chưa được chú ý.

Để “gắn kết” không còn là khẩu hiệu

Theo Thủ tướng Chính phủ “Gắn”: Là gắn kết giữa trung ương với địa phương, giữa Nhà nước với thị trường, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với quốc tế… Đặc biệt gắn với liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững. Thủ tướng nhắc lại câu mà người xưa đã nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy cùng đi”. Chình vì vậy cần phải có sự liên kết, chung sức hiệp lực vì một Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Nói về sự liên kết này, Thạc sĩ Nguyễn Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL cho biết: ĐBSCL trước đây đã từng có hơn 2.500 bản quy hoạch theo ngành, theo địa phương, không ăn khớp với nhau. Vừa qua, lần đầu tiên, ĐBSCL có một quy hoạch tích hợp đa ngành cho toàn vùng. Quy hoạch tích hợp cấp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 là một quy hoạch mang tính lịch sử. Quy hoạch tích hợp là cách làm quy hoạch định hướng chiến lược phát triển cho sự vận hành của tổng thể, trong đó sự phát triển của từng ngành được dung hòa với nhau cùng lúc.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Trong quá trình phát triển, địa phương nào cũng muốn vươn lên, đã dẫn đến chuyện xung đột về lợi ích; trong khi biến đổi khí hậu đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của một tỉnh, cần có sự tiếp cận, giải quyết theo vùng, thông qua tập thể. Do đó, 13 tỉnh, thành cần nhìn về một hướng với mục tiêu chung, nhận thức chung thông qua hợp tác, liên kết với nhau; với phương châm: “Muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, và muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh cho biết, từ năm 2013, Trà Vinh đã liên kết khai thác hình thành tuyến, điểm du lịch với các địa phương trong vùng, và liên vùng như TPHCM, Hà Nội... Qua những hoạt động thực tiễn đã giúp tỉnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, điểm đến du lịch của tỉnh.

Để người giàu, DN tiềm năng đầu tư vào ĐBSCL

Về thông điệp “Giàu”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Tiếp tục thu hút người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Cần “xây tổ đón đại bàng”, muốn vậy phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương.

Thực tế, người giàu tại ĐĐSCL không hiếm. Với tiềm năng, nguồn lực, sức hút của vùng đất này vẫn là cơ hội để các nhà đầu tư lớn, những Tập đoàn kinh tế lớn về đây đầu tư.

Gần đây, Tập đoàn T&T đã ký kết hợp tác toàn diện với tỉnh Cà Mau trong phát triển kinh tế xã hội. Tại buổi ký kết hợp tác, diễn ra đầu tháng 3 năm 2021, Tập đoàn T&T cho rằng Cà Mau là nơi có nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực: đất đai, cảng biển, cảng hàng không, quy hoạch các khu đô thị, đường giao thông. Thậm chí, đơn vị kinh tế này đề xuất với tỉnh Cà Mau xem xét đầu tư đường cao tốc Cà Mau - Đất Mũi trong giai đoạn sau năm 2030.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú, người được mệnh danh là “Vua tôm” Việt Nam hàng năm xuất khẩu trên 1 tỉ USD nhận định: “ĐĐSCL là nơi thích hợp để nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Tập đoàn Minh Phú đã đứng chân tại đây trên 30 năm. Chúng tôi được sự quan tâm đặc biệt của bộ, ngành và địa phương nơi Minh Phú hoạt động”.

Hay như Tập đoàn Phú Cường, sau thời gian hoạt động trên lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản, đã chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản tại tỉnh Kiên Giang. Phú Cường là đơn vị tư vấn, xây dựng, đầu tư dự án lấn biển tại Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang với tổng số vốn đầu tư lên đến 17.000 tỉ đồng. Đây là dự án được cho là nối tiếp thành công của dự án Khu đô thị Phú Cường đã hoạt động nhiều năm qua.

Tại ĐBSCL hàng loạt các dự án năng lượng tái tạo các nhà đầu tư chú ý đến. Dự án có số vốn thấp nhấp cũng đến 2.000 tỉ đồng. Đặc biệt dự án Điện khí LNG Bạc Liêu hút vốn đến 4 tỉ USD.

Cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp hoạt động được các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện khá tốt. Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhận định: “Mời gọi đầu tư vào tỉnh Cà Mau đã khó. Chính vì vậy chúng tôi tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư hoạt động theo đúng pháp luật”.

Tiềm năng đầu tư của vùng đất “Chín rồng” còn rất lớn. Nó không dừng lại ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, năng lượng, du lịch mà còn cả một hệ thống logistics sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư lớn. Một cơ chế thu hút đầu tư chung cho ĐBSCL đang rất cần triển khai, thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn