MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.Ảnh: NN

Gắn kết và chủ động thích ứng

HẢI ANH LDO | 06/11/2019 15:39

Một cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ. Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân.

“Hãy tư duy cộng đồng, hành động vì cộng đồng”

Tối 4.11, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã trao búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, đồng thời logo năm ASEAN 2020 và video ngắn giới thiệu về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam được trình chiếu.

“Trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy Cộng đồng, hành động vì Cộng đồng”.

Việt Nam chọn chủ đề là “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch 2020, với trọng tâm phát huy sức mạnh nội lực của hiệp hội thông qua sự đoàn kết, liên kết với nhau, trong đó có gắn kết về kinh tế, về xây dựng cộng đồng cũng như sự gắn kết của mỗi quốc gia với cộng đồng trong sự phát triển lấy con người làm trung tâm.

Yếu tố “chủ động thích ứng” có nghĩa là linh hoạt điều chỉnh trước các diễn biến trong tình hình quốc tế và khu vực, thách thức đan xen những cơ hội, ví dụ như sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước lớn và các thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thể hiện được khả năng dẫn dắt và điều phối để tất cả các nước thành viên có thể nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, hướng tới xây dựng cộng đồng bền vững.

Thích nghi và ứng phó hiệu quả các thách thức mới

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 được xem là sự kiện đa phương lớn nhất của Việt Nam, trong bối cảnh ASEAN đi được nửa chặng đường triển khai các kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025.

Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tiến độ và những thành tựu giữa kỳ, qua đó quyết định những bước đi tiếp theo để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.

Việt Nam đã xây dựng và đưa ra 5 định hướng ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó có tăng cường thực hiện vai trò và đóng góp của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0…

Trong bài viết “Bối cảnh mới của ASEAN và năm Chủ tịch của Việt Nam” đăng trên Chinhphu.vn, TS Nguyễn Ngọc Trường nhận định, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan đã khép lại một năm hoạt động của ASEAN với các chương trình và kết quả tích cực. “Trong đó, điều nổi bật là tổ chức này đã tỏ rõ thích nghi dần với bối cảnh mới, khi các nước thành viên một lần nữa lại cảm thấy không khí cọ xát chiến lược quyết liệt chưa từng có giữa các nước lớn ngay tại Đông Nam Á và vùng biển của nó kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Vấn đề thích nghi và ứng phó hiệu quả các thách thức mới được đặt ra cho cả tổ chức và từng quốc gia thành viên” - ông viết.

Cách đây ít lâu, tại tọa đàm với chủ đề “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan và vai trò của ASEAN trong sự phát triển của quốc gia và khu vực” diễn ra tại Hà Nội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi đáng kể với cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, quá trình chuyển giao công nghệ mới toàn cầu… rất nhiều điều quan trọng mà Chủ tịch ASEAN cần phải thực hiện. “Với tôi, những thay đổi mang tính đột phá này vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Chúng ta cần phải tìm thấy con đường của bản thân chúng ta - mỗi thành viên ASEAN - làm sao để song hành cùng nhau trong chuyến đi như thế này”.

Cũng tại tọa đàm, diễn giả Kavi Chongkittavorn - chuyên gia Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cho rằng, nhiệm vụ của Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là tăng cường đoàn kết nội khối, củng cố vai trò trung tâm, tăng cường hội nhập khu vực đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tập trung vào RCEP, CPTPP.

Trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020, các sứ mạng quan trọng là “tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác ASEAN khác nhau, mở rộng hợp tác kinh tế với đối tác đối thoại, thúc đẩy hành vi ứng xử chung, kết nối…” - ông nói.

Cũng theo chuyên gia người Thái Lan, việc Indonesia, Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho thấy rằng “vai trò của ASEAN đang ngày càng lớn mạnh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn