MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương

Gắn trách nhiệm vay nợ, trả nợ với người ký quyết định đầu tư

Thu Hoài LDO | 25/05/2018 17:56
Đưa ra 5 giải pháp nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng Chính phủ cần tập trung nhiều giải pháp giảm nợ công. Theo ông cần kiểm soát tăng vốn vay, gắn trách nhiệm vay nợ, trả nợ với người ký quyết định đầu tư, giảm chi thường xuyên bằng việc cơ cấu lại bộ máy, giảm biên chế...

Đưa ra 5 giải pháp nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng Chính phủ cần tập trung nhiều giải pháp giảm nợ công. Hiện nay, nợ công Việt Nam đang trong ngưỡng cho phép nhưng sẽ vượt trần nếu không có biện pháp quản lý quyết liệt, đặc biệt là với chi tiêu công.

Theo ông Phương, cần kiểm soát tăng vốn vay, gắn trách nhiệm vay nợ, trả nợ với người ký quyết định đầu tư, giảm chi thường xuyên bằng việc cơ cấu lại bộ máy, giảm biên chế, giảm chi các hoạt động khánh tiết… Bên cạnh đó, ông Huỳnh Thanh Phương kiến nghị Chính phủ có chính sách tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát, chấp nhận tăng tín dụng nhưng không quá cao, quá dài.

Hoạt động doanh nghiệp Nhà nước cần được cải cách; đổi mới tổ chức hoạt động đơn vị công lập cũng là giải pháp thứ 3 được vị đại biểu Quốc hội đề cập. Theo ông Phương, giảm bớt bao cấp chính là giảm bớt chi tiêu ngân sách Nhà nước. Trong lộ trình cam kết tham gia các sân chơi quốc tế, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu nên cần cơ cấu nguồn thu trong nước. Ông Phương đề nghị việc cải cách chính sách thuế phải phù hợp đời sống nhân dân.

“Chính sách thuế là công cụ quản lý hữu ích, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế. Thuế đúng thúc kinh kinh tế phát triển, còn không đúng sẽ kéo nền kinh tế đi xuống nên nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trước khi áp dụng thuế mới, tránh phản ứng tiêu cực trong xã hội như thời gian vừa qua”, vị đại biểu Quốc hội nói.

Giải pháp cuối cùng được ông Phương nêu trước Quốc hội là nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư công, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhất là các công trình, hạ tầng phục vụ phát triển để tránh lãng phí.

Theo ông Huỳnh Thanh Phương, hàng năm Quốc hội, Chính phủ phải tính toán chi ly mới đảm bảo các khoản đầu tư công. Tuy nhiên, trong đầu tư xây dựng cơ bản lãng phí vẫn xảy ra, giải ngân thấp và sai địa chỉ còn nhiều. Nhiều trụ sở được xây dựng quá hoàng tránh, không phát huy hết công năng, không gắn liền với tinh giảm biên chế…

Ông Phương kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần tính toán có cơ chế thích hợp để thu hút mạnh hơn nguồn vốn FDI và các nguồn khác vào xây dựng hạ tầng nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn