MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ cùng báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: ĐỨC THÀNH

GDP năm 2017 có thể chỉ đạt 8,25%

ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI LDO | 21/11/2017 06:00
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh. Các đại biểu (ĐB) đều thống nhất việc ban hành cơ chế mới cho thành phố là cần thiết. Tuy nhiên, theo nhiều ĐB thì các rào cản luật pháp nên được sửa đổi, “dọn đường” để việc ban hành cơ chế đặc thù được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Sửa luật để quy định cơ chế đặc thù

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) băn khoăn, “cho HĐND thành phố được thực hiện chính sách thuế tài sản, được tăng thêm mức thuế và thuế suất so với quy định của sắc thuế hiện hành, được thu thêm các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí... Những điều này không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Tại sao Chính phủ không trình Quốc hội để sửa các luật có liên quan để quy định thẳng trong luật về những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho thành phố” - ĐB Hương nêu quan điểm.

Về cơ chế lương cho cán bộ thành phố, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng: “Nên thực hiện theo bảng lương cơ bản, còn thu nhập tăng thêm giao cho HĐND quyết định trên cơ sở năng suất chất lượng từ nguồn thu của thành phố. Việc khống chế mức trần không vượt 1.8 thì nên để cho thành phố tự chủ. Sau này nhân rộng ra các nơi khác để phát triển hơn”.

Tuy nhiên, quan điểm này đã bị ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) phản bác vì cho rằng, quy định trần như vậy là hợp lý. Vì không nên chọn một sự đột phá khác biệt quá lớn giữa cán bộ công chức nói chung và giữa thành phố và các tỉnh lân cận. Hết sức lưu ý là các tỉnh lân cận có điều kiện tương đồng như Bình Dương, như Đồng Nai chứ không phải chỉ thành phố… Thí điểm nhưng cũng không nên chênh lệch quá lớn cho nên cần có mức trần là 1.8… Thế nhưng cán bộ T.Ư đóng tại thành phố thì sẽ có sự chênh lệch về thu nhập thì chúng ta xem xét như thế nào, phải suy nghĩ đến vấn đề này” - ĐB Bình băn khoăn.

ĐB Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) lo lắng việc giao HĐND quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên. Theo quy định hiện hành, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trong trường hợp này thuộc về Thủ tướng Chính phủ là nghiêm minh, nhằm đảm bảo quỹ đất trồng lúa trên cả nước” - ĐB Quang nói, tuy nhiên cuối cùng quan điểm của ĐB Quang cũng chấp nhận nhưng kèm theo điều kiện “cần phù hợp với quy hoạch đô thị và kết nối hạ tầng tại khu vực để đảm bảo không phát sinh những điểm bất cập cho đô thị”.

GDP tăng cao nhất là 8,25%

Trao đổi cùng báo chí, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - cho rằng sự vượt trội của thành phố đang dần mất đi ưu thế, thậm chí đang có xu hướng tụt hậu. Vì vậy thành phố đề xuất với T.Ư cho chính sách đặc thù và xung lực mới cho việc thúc đẩy quy mô tăng trưởng theo hướng bền vững hơn.

“Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thu ngân sách tài chính hiện nay của thành phố là 350.000 tỉ đồng, chiếm 30% thu ngân sách cả nước, chính xác năm 2017 T.Ư giao cho thành phố thu 347.000 tỉ đồng. trước nhiệm vụ này thành phố hết sức nỗ lực nhưng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tỉ lệ thu nội địa. Trong giai đoạn từ 2010-2015 tốc độ tăng trưởng GDP là 9,6%, nhưng bắt đầu từ 2016 tốc độ tăng trưởng GDP chỉ còn 8,5%. Năm 2017 thành phố cố gắng phấn đấu đạt 8,4% nhưng rất khó khăn. Hôm rồi sơ bộ tính toán GDP tăng cao nhất là 8,25%” - ông Phong cho biết.

“Việc chỉ được giữ lại 18% GDP chắc chắn gây ảnh hưởng tới thành phố vì khi đó đầu tư công chiếm cao nhất chỉ có 35%, khi muốn kêu gọi nguồn vốn ODA thì phải có vốn đối ứng, hay muốn triển khai PPP cũng phải có vốn mồi.

Tuy nhiên chúng tôi phải nỗ lực chủ động hoàn thiện môi trường đầu tư để mời gọi các dự án đầu tư nước ngoài, mặt khác chủ động tìm kiếm các phương thức đầu tư từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó thành phố phải chủ động bằng các phương thức huy động nguồn lực từ bên ngoài để làm sao hoàn thiện môi trường đầu tư, tìm mọi nguồn lực đặc biệt là đất đai, nhưng khai thác nguồn lực đất đai thành phố phải theo hướng công khai minh bạch rõ ràng. Nếu hành lang pháp lý thuận lợi sẽ là cơ sở vững chắc tạo ra động lực cho thành phố” - Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh khẳng định.

Phó Chủ tịch TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến: Chống những hành vi đầu cơ đất đai

Việc thu thuế tài sản tại TP.Hồ Chí Minh thì mục đích chính là chống những hành vi đầu cơ đất đai. Bản thân đất đai là nguồn tài nguyên rất quý của Nhà nước, của xã hội, đặc biệt đối với TP.Hồ Chí Minh. Nó cần được đưa vào sản xuất kinh doanh để phát triển. Một số người lợi dụng đất đai này để đầu cơ, mua bán kiếm lãi. Tất nhiên Nhà nước có thu thuế nhưng không đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ gây nên sự lãng phí rất lớn. Do đó việc chúng ta đánh thuế tài sản thì chủ yếu vẫn là vấn đề chống đầu cơ chứ Nhà nước không tận thu vấn đề này.

Những người nào có hành vi đầu cơ đất đai, làm lãng phí tài nguyên đất đai sẽ chấm dứt và đất đai sẽ được đưa vào sản xuất, kinh doanh, phát triển đúng thế mạnh của thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn