MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), lực lượng cảnh sát cơ động cần phải được trang bị một cách hiện đại nhất. Ảnh QH

Giá trị của tranh luận

Minh Bằng LDO | 27/10/2021 06:00
Không khí nghị trường đã “nóng” hơn với phần tranh luận thẳng thắn, dân chủ, rất sôi nổi của các Đại biểu Quốc hội xung quanh Dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Việc ban hành Luật sẽ góp phần cụ thể hóa nội dung về bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thế nhưng một Luật mới khi ra đời sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ đòi hỏi phải có những tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ trên cơ sở thực tiễn và khoa học để để tránh vượt khung, chồng chéo với lực lượng khác. Đồng thời Luật mới không chồng chéo, tác động tiêu cực, đi ngược với những Luật đã ban hành.

Bởi thế, việc tranh luận sôi nổi về Luật Cảnh sát cơ động chính là thể hiện các đại biểu đã có những nghiên cứu kỹ, có trách nhiệm và có tinh thần phản biện.

Đơn cử như vấn đề “Có nên trang bị máy bay cho lực lượng Cảnh sát cơ động”, Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh, đây là chính sách lớn, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể. 

Còn Đại biểu Quản Minh Cường (đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Tội phạm ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí trang thiết bị hiện đại thì lực lượng công an nói chung, CSCĐ nói riêng sử dụng máy bay là nhu cầu cần thiết. Chẳng lẽ lập Trung đoàn không quân mà đi mượn máy bay”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, quy định trang bị tàu bay cho CSCĐ là không hợp lý.

Tranh luận với Đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Đặng Hùng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho rằng, CSCĐ chủ yếu đảm bảo an ninh trật tự, xử lý bạo loạn, khủng bố… nếu sử dụng máy bay quân đội tham gia trong các vụ việc thì không phù hợp chức năng nhiệm vụ của công an… Kinh phí có tốn kém nhưng cần tiến lên hiện đại, có thể trước mắt chưa có nhưng lâu dài cần bố trí cho lực lượng này.

Có thể thấy quá trình tranh luận, phản biện đã làm rõ nhiều vấn đề, nhiều góc nhìn mới. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ thiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật. Trong đó, rà soát chỉnh lý vị trí, chức năng, nhiệm vụ, huy động người và phương tiện, hợp tác quốc tế... để tránh chồng chéo với các lực lượng khác cũng như đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thái độ tranh luận sôi nổi trên tinh thần đóng góp, xây dựng của kỳ họp cần tiếp tục được phát huy.

Hôm qua, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng thông tin về thành phần tham gia chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ngoài phần Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội sẽ còn có 4 Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn.

Với tinh thần tranh luận thẳng thắn, sôi nổi, dân chủ và rất có trách nhiệm vừa qua, chắc chắn phần chất vấn và trả lời chất vấn sẽ rất “thẳng - thật” về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.

Giá trị của tranh luận tại nghị trường là chạm được những vấn đề “nóng”, chạm đúng và trúng những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn