MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Quang Khánh

Giá vé máy bay nội địa cao, người dân TPHCM ra Hà Nội phải bay vòng sang Thái Lan

Nhóm phóng viên LDO | 23/05/2024 15:37

Đại biểu Quốc hội nêu thực trạng giá vé máy bay tăng cao nên nhiều người dân muốn bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhiều khi phải bay qua Thái Lan rồi mới bay về Hà Nội vì giá rẻ hơn.

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 23.5 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nội dung liên quan tới giá vé máy bay trong nước nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này ảnh hưởng tới phát triển du lịch.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, giá vé máy bay tăng cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Đại biểu thông tin, so với đường bay tương đương, ở Thái Lan rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ví dụ, đi từ Bangkok đến Phuket, chặng bay 869km có giá vé 768.000 đồng. Trong khi đó, giá vé từ Hà Nội đi Đà Nẵng chỉ có 757 km thì giá vé của Vietjet là 1.112.000 đồng, còn Vietnam Airlines là 1.508.000 đồng.

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, giá vé máy bay tăng cao thời gian qua ảnh hưởng tới phát triển du lịch, qua đó tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tương tự, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, giá vé máy bay từ Nội Bài - TP Hồ Chí Minh và ngược lại hiện tăng quá cao. “Người dân muốn bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhiều khi phải bay qua Thái Lan rồi mới bay về Hà Nội, vì rẻ hơn” - đại biểu Thanh cho biết.

Theo vị này, cần phải có chính sách cụ thể để giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay có tính chất ổn định, như vậy ngành Du lịch mới giữ được khách.

Phân tích các nguyên nhân, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là: Thiếu tính cạnh tranh; chi phí bảo trì bảo dưỡng ở nước ngoài cao, khi phần lớn máy bay của Việt Nam phải ra nước ngoài bảo trì, bảo dưỡng.

Cùng với đó là thiếu sự kết nối giữa hàng không và du lịch, đa phần mạnh ai nấy làm, chưa có cách thức chia sẻ. “Vì vậy, giá vé máy bay cao, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương” - đại biểu Thanh nói.

Đại biểu cho rằng, cần có những đề xuất cụ thể để giải quyết, ví dụ cần có gói hỗ trợ hàng không, du lịch để có những giảm giá. Đơn cử như hỗ trợ phí dịch vụ ở các sân bay (vốn chiếm 10-30% giá vé).

Cùng với đó, về lâu dài, cần phải đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam. Song song, cần có sự hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau giữa ngành Du lịch, ngành Hàng không.

Nhà hàng, khách sạn, hàng không nếu hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo ra "combo" du lịch, làm tốt cho du lịch, phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn