MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thành Trung lo ngại nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao. Ảnh: QH

Giá xăng dầu chưa có xu hướng giảm, lo ngại nguy cơ về lạm phát tăng cao

NHÓM PV LDO | 02/06/2022 11:50

Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, giá xăng dầu chưa có xu hướng ổn định và giảm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung lo ngại nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao.

Sáng 2.6, thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội linh hoạt, phù hợp. Nền kinh tế tiếp tục mở cửa trong trạng thái bình thường mới.

Theo đại biểu Lam, biến động của tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới, lạm phát, dịch bệnh kéo dài, vấn đề xung đột quân sự Nga-Ukraine đã đẩy giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng sản xuất.

Đây là các yếu tố tác động tiêu cực đến phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt việc này ảnh hưởng trực tiếp lớn đến đời sống của nhân dân, của công nhân lao động, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) nêu rõ, hiện nay thế giới đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh và một số quốc gia vẫn theo đuổi chính sách zero COVID-19.

Do tác động đại dịch, chi phí tuyển dụng lao động mới tăng cao, khiến các doanh nghiệp cũng rất là khó khăn. Xung đột địa chính trị làm cho giá xăng dầu và giá lương thực tăng cao, chưa có xu hướng ổn định và giảm. Cùng với đó, giá các nguyên liệu đầu vào như sắt, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đội lên.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, giá xăng dầu chưa có xu hướng ổn định và giảm, đại biểu nhấn mạnh nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường nguyên vật liệu ưu tiên việc phát triển sử dụng nguồn vật liệu trong nước để giảm thiểu tác động bởi xung đột trên thế giới và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời theo dõi sát biến động giá các loại vật liệu xây dựng kịp thời, có giải pháp hỗ trợ các nhà thầu thi công khắc phục các khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều hành, điều tiết bình ổn giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế, giáo dục.

Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực hệ thống kho dự trữ xăng dầu để đáp ứng chủ động và dài hạn nhu cầu của nền kinh tế; dự báo sát tình hình để kịp thời điều hành giá một cách hợp lý.

Ngoài ra, theo đại biểu cũng cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân để giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp. Dự báo các mặt hàng, nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp.

Riêng về mặt hàng xăng dầu, cần bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức phù hợp để điều hành giá xăng dầu trong nước linh hoạt, góp phần ổn định thị trường, đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn