MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu từ điểm cầu TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: QH

Giá xăng dầu lên cao nhất 7 năm qua, đại biểu Quốc hội đề nghị sớm bình ổn

Vương Trần LDO | 30/10/2021 12:39
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh và chúng ta vẫn còn dư địa để bình ổn.

Sáng nay (30.10), Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đối mặt với nhiều thách thức thời gian tới khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn thích ứng an toàn với COVID-19.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, ảnh hưởng nhiều chiều từ tác động bất định của nền kinh tế thế giới. Theo đại biểu Ngân, nước ta chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá cả thế giới tăng cao, nhiều nước tung các gói kích thích…

Những diễn biến này, theo đại biểu, có khả năng tác động đến lạm phát của Việt Nam thời gian tới. Một số chi phí, dự toán chúng ta có thể thay đổi. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn.

Liên quan đến đầu vào quan trọng khác trong sản xuất kinh doanh, trong phần thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất Chính phủ sớm can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông Ngân, giá xăng dầu đang tăng rất nhanh. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang có dư địa, công cụ như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên.

Cùng quan điểm với ông Ngân, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, nếu giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung. Do đó, theo đại biểu này, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng không tăng lên quá cao là điều cần thiết.

Đại biểu Cường cho rằng, trong bối cảnh giá tăng hiện nay có thể cân nhắc việc điều chỉnh giảm thuế, thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường.

"Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, sức chịu đựng của các doanh nghiệp khó khăn. Chúng ta đang cần phải phục hồi nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh thì sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động ảnh rất nặng của xăng dầu" - đại biểu Cường nói.

Trước đó, từ chiều 26.10, giá xăng đã tăng kỳ thứ tư liên tiếp lên mức 24.430 đồng/lít (với xăng RON95), đây là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Việc này đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn