MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải bài toán “giá thành cao - chất lượng thấp” của nông sản Việt

Lục Tùng LDO | 16/04/2019 18:11

Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu – nước biển dâng không chỉ nhấn chìm đất sản xuất nông nghiệp mà còn dồn đẩy nông sản của Việt Nam vào thế chân tường: Chi phí cao – chất lượng kém. Để ứng phó với bất trắc này, không gì khác hơn là phải thay đổi tư duy sản xuất lớn theo mô hình hợp tác xã (HTX).

Đây là nội dung chính của Diễn đàn "Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp ứng phó BĐKH ở ĐBSCL” do Bộ NNPTNT tổ chức tại Đồng Tháp vào ngày 16.4 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: L.T

Tại diễn đàn, các nhà khoa học cho rằng BĐKH toàn cầu – nước biển dâng gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gay gắt hơn. Điển hình là nắng nóng bất thường, mưa trái mùa, triều cường, xâm nhập mặn, khan hiếm nước, bùng phát dịch hại trên cây trồng và vật nuôi… xảy ra ngày càng thường xuyên và không theo quy luật như trước đây.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: LT

Điều này đã dồn đẩy sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, nhất là ĐBSCL, vào thế thiệt hại kép: Diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nông sản “giá thành cao - chất lượng thấp”. Theo dự báo của Bộ TNMT, đến năm 2100, mực nước biển ĐBSCL có khả năng dâng cao thêm 100cm, khi đó 39% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập.

Thêm vào đó, tác động của các hiện tượng tự nhiên sẽ phức tạp hơn khi có sự thay đổi sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong do xây dựng các đập thủy điện, hồ chứa và chuyển nước phục vụ nông nghiệp. Rồi mưa trái mùa, nắng nóng bất thường làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi...     

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với đại biểu dự diễn đàn trong giờ giải lao. Ảnh: L.T

Trong bối cảnh đó, khả năng thích ứng được xem là điều kiện tiên quyết cần thiết. Theo đó, các nhà khoa học khuyến cáo, bên cạnh các giải pháp công trình như đê, kè, đập..., cần quan tâm thêm đến giải pháp phi công trình, như: Đa dạng hoá phát triển nông nghiệp, thay đổi lịch thời vụ; xây dựng các chương trình, kế hoạch thích ứng...

Trong đó, HTX hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên được xem là lựa chọn thích ứng khôn ngoan nhất. Sự hợp tác này không chỉ giúp phản ứng nhanh với các tác động bất ngờ từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà còn là nền tảng để thực hiện các chiến lược thích ứng dài hạn thông qua tổ chức hợp tác.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặc biệt lưu ý đến những rủi ro xuất phát từ những tồn tại của mô hình HTX hiện nay.  Do vậy, để các HTX hoàn thành sứ mệnh thích ứng BĐKH, cần có những cải cách thiết thực hơn. Cụ thể, là cởi trói khỏi cơ chế cũ, như nâng chất nguồn nhân lực cả về số lượng và năng lực nghề nghiệp; trang bị cơ sở hạ tầng... nhất là cải thiện kênh tiếp cận nguồn vốn chính thức...

Chỉ có như thế, HTX mới thực sự trở thành mắt xích quan trọng để thích ứng với BĐKH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn