MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, sẽ có thêm gần 800.000 người được hưởng

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG LDO | 23/11/2023 10:03

Theo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi sẽ có thêm khoảng gần 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Có mâu thuẫn về quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội?

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 23.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Đồng thời, dự án luật cũng đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quan tâm tới chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu cho biết, Điều 20 dự thảo quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028; 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Mặt khác, khoản 1 Điều 21 dự thảo quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, độ tuổi quy định tại Điều 21 khác với độ tuổi mà người lao động tham gia BHXH bắt buộc để được hưởng chế độ hưu trí quy định tại Điều 64 dự thảo và Điều 169 Bộ luật Lao động....

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa mâu thuẫn giữa Điều 20 và Điều 21, vừa gây khó hiểu trong quá trình thực thi; mà thực chất đây là chính sách trợ cấp cho người cao tuổi chưa được hưởng bất kỳ một chế độ nào.

Để dễ hiểu và thuận lợi cho quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị gộp quy định tại Điều 20 và Điều 21 thành một điều chung là đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sửa lại như sau: "Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ".

Đại biểu nhấn mạnh, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội là một chính sách hết sức nhân văn, được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi.

"Với quy định như vậy đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28. Từ đó nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội", đại biểu nói.

Đại biểu Đoàn Bắc Kạn cũng cho biết, đối với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì việc hạ độ tuổi giúp họ có khoản trợ cấp hằng tháng để cải thiện cuộc sống, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.

Đại biểu ước tính, hiện nay có khoảng 1,5 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đang được hưởng trợ cấp xã hội. Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi sẽ có thêm khoảng gần 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Để thực hiện chính sách này, kinh phí phát sinh thêm mỗi năm ước tính khoảng 3.456 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Bỏ mức lương hưu tối thiểu có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá”

Về điều kiện hưởng lương hưu, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) nhất trí với nội dung dự thảo nêu.

Tuy nhiên, theo đại biểu, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.

Đồng thời, dự thảo luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá” của một bộ phận người dân trong tương lai.

Đại biểu đề nghị, cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn