MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Giảm gánh nặng thi cử với gần 2 triệu viên chức khi bỏ thi thăng hạng

Vương Trần LDO | 10/09/2023 12:05

Đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng viên chức nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ thi sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội, giảm được thủ tục hành chính, trút bỏ được gánh nặng thi cử với gần 2 triệu viên chức trên cả nước.

Vừa qua, 2.483 giáo viên ở Hà Nội đã gửi tâm thư lên các cấp với mong muốn bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà nên tổ chức xét thăng hạng.

Phản hồi về nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cho rằng đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ.

Thực tế, không chỉ ở Hà Nội và không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, ở các địa phương và các lĩnh vực khác, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức cũng mong muốn bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà nên tổ chức xét thăng hạng.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho rằng, nội dung liên quan tới thi thăng hạng viên chức, nâng ngạch công chức thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn

Qua thực tiễn, đại biểu Nga phân tích, hiện nay số lượng viên chức trên cả nước rất nhiều. Bất cứ làm nghề gì, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều muốn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, thăng tiến theo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng rất ít, nhiều người xếp hàng nhưng vẫn chưa được thi, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức.

"Quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức thi, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại và chi phí xã hội rất lớn. Nếu chúng ta bỏ việc thi sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội và đặc biệt sẽ giảm được thủ tục hành chính, trút bỏ được gánh nặng thi cử với hàng triệu viên chức trên cả nước” - đại biểu Việt Nga nói.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cũng chính là một trong những nội dung cải cách công vụ, đổi mới phương thức quản lý đội ngũ, cải cách thủ tục hành chính.

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ. Ảnh: Phạm Đông

Liên quan tới nội dung này, ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ - cho hay, hiện nay cả nước có gần 2 triệu viên chức. Nếu bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thời gian qua. Đặc biệt, việc này sẽ giảm áp lực cho chính đội ngũ công chức, viên chức.

Ông Minh cho biết, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Kết quả đến nay có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức.

Theo ông Minh, việc thi thăng hạng, nâng ngạch còn nhiều bất cập do vậy việc xét thăng hạng sẽ đánh giá toàn diện, đúng hơn trình độ, năng lực của đội ngũ viên chức qua quá trình thực thi công vụ chứ không phải chỉ qua một kỳ thi.

Giữa tháng 6.2023, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu bỏ thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.

"Chúng tôi đang tính toán một vài năm nữa đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức", Bộ trưởng Trà thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn