MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Giảm hội họp để dành nguồn lực phòng chống dịch

VƯƠNG TRẦN LDO | 21/09/2021 13:30
Mới đây, từ nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021, Chính phủ đồng ý sử dụng 14.620 tỉ đồng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải thực hành tiết kiệm, cắt giảm chi phí không cần thiết và đặc biệt là phải phòng chống được lãng phí trong đầu tư công mới tập trung được nguồn lực cho phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế.

Tiết kiệm từ giảm hội họp

Giữa năm 2021, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, thực hiện các yêu cầu về tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo cắt giảm, tiết kiệm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2021 với tổng số tiền cắt giảm hơn 54 tỉ đồng. Trong đó ngân sách cấp tỉnh là gần 24 tỉ đồng, ngân sách cấp huyện là hơn 30 tỉ đồng.

Cụ thể, tại cấp tỉnh, số tiền thực hiện cắt giảm 50% kinh phí hội nghị tiết kiệm được gần 2 tỉ đồng, giảm năm 50% công tác phí tiết kiệm được hơn 8 tỉ đồng và tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự kiến tiết kiệm 18,8 tỉ đồng. HĐND tỉnh Trà Vinh cũng đã thông qua về việc sử dụng số cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 của ngân sách cấp tỉnh số tiền gần 24 tỉ đồng bổ sung vào dự phòng ngân sách cấp tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Tại một địa phương khác ở khu vực Tây Bắc, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết, để có thêm nguồn lực, tỉnh đã thực hiện nghiêm các yêu cầu về việc cắt giảm, tiết kiệm kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2021.

Tỉnh đã tiết kiệm 19 tỉ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh là 14 tỉ đồng, ở huyện là 5 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này cũng đã được báo cáo với thường trực HĐND tỉnh để bổ sung vào nguồn kinh phí dự phòng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đây chỉ là 2 trong nhiều ví dụ về các địa phương hiện nay đang thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, việc cắt giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.

Trao đổi với Lao Động, GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh, có nhiều hoạt động có thể cắt giảm như các hội nghị, hội họp, đi công tác, khánh tiết… Nhiều hoạt động khác trong bối cảnh bình thường phải tổ chức trực tiếp thì các đơn vị có thể chuyển sang các phương thức gián tiếp, họp trực tuyến… Chính vì vậy, chúng ta có cơ sở để đặt ra việc cắt giảm, tiết kiệm các hoạt động chi thường xuyên nhưng không ảnh hưởng quá nhiều tới công việc chung.

Cũng theo ông Cường, bên cạnh những chỉ tiêu đặt ra cho ngân sách như chỉ đạo của Chính phủ, từng cơ quan, từng đơn vị, từng cá nhân, từng người dân nghĩ tới việc phải cắt giảm những khoản chi theo thói quen, theo thông lệ mà bây giờ không còn diễn ra. Việc này có thể có nguồn kinh phí để phục vụ ngay hoạt động chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương và kể cả gia đình.

“Chỉ khi chúng ta thực hiện tốt những ý thức về cắt giảm chi phí, thực hiện tiết kiệm để cơ cấu lại nguồn chi thường xuyên thì mới có ngân sách đáp ứng nhu cầu về phòng chống dịch. Bên cạnh đó là có các nguồn chi để đầu tư, đáp ứng mục tiêu phát triển” - ông Cường nói.

Đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công

Vị Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ phải thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, những khoản chi đầu tư cũng cần được cân nhắc mộ cách thấu đáo. Với những dự án thật sự cần thiết, mang lại hiệu quả nhanh và cấp bách thì phải tập trung nguồn lực thực hiện ngay. Đối với các dự án chưa cấp thiết hoặc phải cân nhắc lại phương án đầu tư thì phải cần tính toán kỹ. 

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, qua đại dịch, nhiều hoạt động hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra. Nhưng cũng cần phải đặt câu hỏi về việc có nhất thiết phải duy trì những hoạt động như hội họp, liên hoan, khánh tiết, đi học tập nước ngoài… hay không. Cùng với đó, trong các dự án đầu tư cần phải tránh tình trạng lãng phí như đầu tư công kéo dài dẫn tới trượt giá, đội vốn.

Nhiều dự án kéo dài chưa đưa vào sử dụng được, điển hình như dự án đường sắt đô thị… hay những dự án giao đất nhưng không sử dụng, để hoang hoá, lãng phí nguồn lực. Những điều này cần phải  có biện pháp chấn chỉnh. Đó chính là tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Cùng trao đổi về việc này, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) phân tích, do tác động của dịch bệnh hiện nay, các nguồn thu cũng rất khó khăn và nguồn chi phí phát sinh lại lớn.

Bên cạnh những khoản chi phí phòng, chống dịch, trang thiết bị y tế… còn những gói hỗ trợ, gói chính sách an sinh xã hội phát sinh từ dịch bệnh. Điều này tác động tới cân đối thu, chi rất nhiều.

Theo ông Thành, trong những năm qua, chúng ta tiết kiệm chi thường xuyên là 10%. Trong bối cảnh dịch bệnh, các khoản chi cho hội nghị, công tác phí, chi hội họp… cũng được cắt giảm tối đa. Những khoản tiết kiệm này có thêm nguồn lực dự phòng để chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm bớt phần nào gánh nặng ngân sách trung ương, tránh tình trạng thâm hụt ngân sách.

Đối với khoản chi đầu tư, ông Thành cho rằng, cần lưu ý tới những vấn đề như chống tham nhũng, chống lãng phí và cần phân bổ nguồn ngân sách hiệu quả. Nếu dự án đầu tư có hiệu quả không chỉ là tiết kiệm cho dự án đầu tư đó mà còn đem lại sự lan toả tốt cho phát triển. Thực hiện tốt những việc này chính là tiết kiệm trong chi đầu tư. Nếu dự án đầu tư không có hiệu quả thì đó là một lãng phí rất lớn. 

“Trong bối cảnh nguồn thu gặp khó khăn, các khoản chi phí phát sinh nhiều hơn thì những yêu cầu về tiết kiệm chi càng cần được các địa phương lưu ý thực hiện tốt hơn để đảm bảo ngân sách” - TS Thành phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn