MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc UBND tỉnh

Vương Trần LDO | 05/12/2022 10:16

Một trong những điểm mới về nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 27 (Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII) đó là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện…

Đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững

Sáng nay (5.12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng…

Hội nghị được kết nối hơn 11.000 điểm cầu ở Trung ương và các cơ sở trên toàn quốc với gần 1,2 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc truyền đạt Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Phan Đình Trạc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày chuyên đề tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ông Phan Đình Trạc cho biết, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 27 (Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII) đó là: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán...

Bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng

Trưởng Ban Nội chính Trung ương phân tích nhiều điểm mới trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu ra. Trong đó, ông nhấn mạnh tới việc tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người đại diện cho Nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi để tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của Quốc hội, hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội, xây dựng Quốc hội điện tử.

Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, trong hoạt động đối nội, đối ngoại, trong mối quan hệ với Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp.

Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện…

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với 3 trụ cột chính. Tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, hành chính điện tử và chuyển đổi số.

Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo chương trình Hội nghị, Hội nghị sẽ tiếp tục với các chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn