MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện sông Tô Lịch đang được thử nghiệm công nghệ xử lý nước thải mới của Nhật Bản. Ảnh Sơn Tùng.

Giảm mùi siêu nhanh, sông Tô Lịch thực sự sẽ hết ô nhiễm?

VƯƠNG HUYÊN ĐÔNG LDO | 04/05/2019 19:38
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho hay, hiện nay việc xử lý nước thải tại sông Tô Lịch (Hà Nội) đang được thử nghiệm bằng công nghệ mới của Nhật Bản.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4.5, phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi liên quan tới việc xử lý ô nhiễm môi trường, việc làm sạch sông Tô Lịch theo công nghệ mới của Nhật Bản như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành cho biết, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 11.4 vừa qua, ông Tadashi Yamamura đã đề xuất tài trợ cho Việt Nam trong xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ mới của Nhật.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Ảnh Trần Vương

Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết, ông Tadashi Yamamura là chuyên gia môi trường của Nhật Bản, đề xuất sử dụng công nghệ nano đã được cấp bằng sáng chế ở Nhật để giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, ông Thành nhấn mạnh nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch vẫn là việc nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông, giải pháp này vẫn chỉ là tạm thời.

"Đây mới là đề xuất thử nghiệm nên chúng tôi cần chờ kết quả xem mức độ hiệu quả ra sao, sau đó mới quyết định. Hiện, mọi giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mới là tạm thời, chúng ta vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc ô nhiễm ở con sông này" - ông Thành trả lời.

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ chiều 11.4 tại trụ sở Chính phủ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường đã đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ sinh học bio-nano nhằm hỗ trợ tích cực cho việc xử lý ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura - chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại & môi trường Nhật Bản, là người dẫn đầu nhóm chuyên gia của Nhật Bản cho biết, thiết bị này có tốc độ xử lý siêu nhanh mà chỉ cần 3 ngày sẽ giúp giảm mùi ô nhiễm.

Trước mắt, công nghệ bio-nano sẽ được thí điểm dưới lòng sông tại 1 đoạn sông Tô Lịch và 1 góc hồ Tây để từ đó mở rộng mô hình ứng dụng hơn cho nhiều địa phương khác.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên nên rất thân thiện với môi trường (điều mà các phương pháp hóa học và vật lý không có được). Đây là công nghệ kết hợp giữa sinh học và công nghệ nano.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn