MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: QH

Giám sát những vụ việc, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng

PHẠM ĐÔNG LDO | 07/03/2023 17:29

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp giám sát những vụ việc, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ký ban hành Kế hoạch số 688/KH-MTTW-BTT về việc triển khai các nội dung công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nội dung Kế hoạch nêu rõ, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo dõi, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức. Kiến nghị thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Để triển khai nội dung này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về PCTN,TC và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Các lĩnh vực như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân; thủ tục hành chính; tài chính công...

Trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và phản biện xã hội một số dự thảo Luật như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần 2; Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)... Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội theo Kế hoạch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan soạn thảo, tiến hành phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các văn bản có liên quan.

Từ đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, khắc phục "khe hở", giảm thiểu việc lợi dụng chính sách, pháp luật làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức các hoạt động giám sát đột xuất để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Giám sát những vụ việc, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.

Nghiên cứu, xem xét văn bản đã có hiệu lực pháp luật (giám sát văn bản) liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Giám sát việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính để góp phần khắc phục tham nhũng vặt.

Tại nội dung này, Kế hoạch đề cập tới việc tiếp tục sử dụng hiệu quả các kênh thông tin, phản ánh về tham nhũng, lãng phí của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, của báo chí, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Xử lý kịp thời các đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các phản ánh gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

Trên cơ sở tiếp nhận các thông tin phản ánh, ý kiến về tham nhũng, lãng phí, kịp thời kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm giải quyết; theo dõi, giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết để Nhân dân biết.

Cùng với đó cần đa dạng hóa cách thức để lắng nghe, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về những vấn đề tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị, phản ánh với Đảng và Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn