MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, tăng cơ hội hưởng lương hưu. Ảnh: VPQH

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, lương hưu của nam giới chỉ còn 33,75%

PHẠM ĐÔNG LDO | 23/11/2023 06:24

Về việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, một trong những nội dung được quan tâm là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu, tăng cơ hội hưởng lương hưu và giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) được quan tâm và tranh luận nhiều trong các ngày gần đây là việc giảm điều kiện thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu (Điều 64).

Hiện trong Ủy ban Xã hội của Quốc hội đang có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định.

Luồng ý kiến này cho rằng việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần "rút bảo hiểm một lần", nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.

Đồng thời đặt câu hỏi việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu chỉ là 15 năm, thực chất mức hưởng 15 năm đối với nam chỉ còn 33,75%, trong khi đó nữ vẫn là 15 năm và mức hưởng là 45%, có phù hợp và bảo đảm công bằng, chia sẻ trong hệ thống BHXH?

Ngoài ra, Điều 23 của dự thảo Luật đã bổ sung chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trong thảo luận tại nghị trường Quốc hội ngày 22.11, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban này tán thành với loại ý kiến thứ nhất, với nhận định việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia BHXH mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ, mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu.

Quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỉ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn, tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, cải thiện tính công bằng.

Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Giảm số năm đóng BHXH đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng BHXH, nếu đóng BHXH 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động có quá trình tham gia BHXH không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH.

Nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, ban soạn thảo chọn cách tiếp cận tăng quyền lợi - tức là khuyến khích lợi ích tài chính và yêu cầu điều kiện cao hơn khi rút - tức là giảm động lực rút, trong 2 phương án đề xuất.

Theo phương án 1, chỉ những người đã tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực mới được rút bảo hiểm một lần. Nếu chọn bảo lưu thời gian đóng, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi bổ sung; nếu rút bảo hiểm một lần thì sẽ mất các quyền lợi này.

Còn lại, những người đóng BHXH từ khi luật này có hiệu lực sẽ không được rút bảo hiểm một lần, trừ 3 trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng, ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm tính mạng.

Trong khi đó, phương án 2 cho phép người lao động rút bảo hiểm một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; trên 53.000 người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm đóng BHXH đã lựa chọn hưởng BHXH một lần; trên 20 nghìn người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn