MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làm việc ở nhà - cách làm việc trong "thời COVID-19". Ảnh: AFP

Giãn cách xã hội, làm việc từ xa tại nhà thế nào?

Phạm Đông LDO | 25/07/2021 06:00

Một loạt các tỉnh thành đã giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Các công ty, cơ quan nhà nước phải bố trí nhân sự làm việc từ xa tại nhà. Tuy nhiên, không chỉ là chuyện ứng phó dịch COVID-19, xu hướng làm việc tại nhà (WFH) sẽ ngày càng trở nên phổ biến.

Lựa chọn mới của nhiều doanh nghiệp

Từ 6h ngày 24.7, Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó các tỉnh thành phía Nam cũng đã giãn cách xã hội theo chỉ thị này. Chính vì vậy, khi đại dịch kéo dài, nhiều nơi buộc chuyển sang hình thức làm việc từ xa.

Bà Tạ Kim Chi, Giám đốc phát triển Kinh doanh - Pushtimize, Adflex, Eway JSC - cho biết, công ty đã thực hiện làm việc tại nhà trước thời điểm giãn cách theo chỉ thị 16, khi dịch mới bùng phát trở lại ở Hà Nội. Do tính chất là công ty công nghệ nên việc họp online nội bộ và online với đối tác cũng không còn xa lạ. Các ứng dụng để làm việc online từ xa là google meet, zoom...

Công ty quản lý nội bộ theo từng nhóm (team). Để làm việc từ xa hiệu quả, công ty có kế hoạch hàng tuần, sau đó là kế hoạch nhỏ cho mỗi ngày. Ngoài ra, mỗi ngày cần có khâu check-in vào buổi sáng và chiều để tạo động lực làm việc cho mỗi thành viên. "Sáng và chiều gọi nhìn mặt nhau, chia 2 khung giờ 9 giờ sáng và 2 giờ chiều. Nhân viên vẫn thực hiện mặc đồng phục. Bên cạnh đó, cần giải quyết được tâm lý của nhân viên khi ở nhà quá lâu sẽ dẫn tới buồn chán và sao nhãng nhiệm vụ", bà Chi cho hay.

Trước khi bắt đầu làm việc từ xa, đơn vị sẽ họp để phân bổ giữa nhân sự làm việc tại nhà và cơ quan. Trong đó, mỗi bộ phận sẽ phải có trách nhiệm lên kế hoạch công việc và phân bổ nhân sự hợp lý. Mục đích cuối cùng là kết quả chung của từng bộ phận chứ không đánh giá chi tiết kết quả từng người.

Việc vận hành, sắp xếp tổ chức sẽ tuỳ thuộc vào từng cơ quan, đơn vị vì mỗi sản phẩm sẽ khác nhau. Mỗi đơn vị sẽ có một mục tiêu khác nhau để đánh giá hiệu quả công việc theo tiến độ hoàn thành công việc, doanh thu, doanh số... từng tuần. Trong đó, các nhân sự sẽ tự chủ động, tự giác làm việc và khuyến khích sự tương tác giữa lãnh đạo và nhân viên.

Bà Chi cho rằng, mô hình làm việc từ xa tại nhà cần kết hợp với các phương pháp khuyến khích, tạo động lực để mỗi người chủ động làm việc.

Ông Trần Thế Vinh - CEO Công ty Cổ phần Tập đoàn Tima cho rằng, sử dụng những ứng dụng miễn phí để làm việc trực tuyến từ xa cũng dễ xảy ra sự cố và hạn chế. Ví dụ như khả năng tập trung cho công việc và quản lý nhân sự để đảm bảo hiệu quả công việc. Do vậy, về lâu dài, các công ty, đơn vị cần sử dụng các ứng dụng làm việc trực tuyến trả tiền để giao tiếp hiệu quả, có tính bảo mật cao hơn.

Thay đổi phương thức làm việc để thích ứng

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, xu hướng WFH - làm việc tại nhà hay làm việc từ xa không phải là mới, đặc biệt vai trò của vấn đề này trong thời điểm “chống dịch như chống giặc” là rất cần thiết.

Do đó, làm việc từ xa sẽ giảm thiểu được việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người từ đó làm giảm sự lây lan dịch bệnh. Các doanh nghiệp cần phải tính toán những hướng đi mới như làm việc từ xa và cần thay đổi phương thức làm việc, sản xuất đáp ứng với bối cảnh này.

Tuy nhiên, để áp dụng được tốt biện pháp làm việc từ xa cần quy định rất rõ những lĩnh vực nào có thể thực hiện làm việc từ xa. Bên cạnh đó, theo Điều 167 Bộ luật Lao động mới chỉ quy định người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận làm việc tại nhà tuy nhiên chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể. Chính vì vậy, cần có hướng dẫn về vấn đề làm việc từ xa trong quá trình phòng chống dịch.

Ông Lê Quang Trung trao đổi với PV Lao Động. Ảnh: P.Đ

Theo ông Trung, cần quy định rõ những đối tượng, phạm vi, quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong vấn đề làm việc từ xa để nếu có xảy ra tranh chấp thì còn có cơ sở để xử lý.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy nếu làm việc từ xa thì có thể giảm được từ 20-30% chi phí trực tiếp ngoài ra những tác động đến môi trường và giao thông cũng sẽ được giảm. Theo thống kê tại một số nước, nếu 1 tuần có 2-3 ngày làm việc từ xa thì có tăng năng suất lao động lên từ 20-25%.

Ông Trung cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, khối các đơn vị Nhà nước khi chuyển đổi cách thức sang làm việc từ xa phải có những phương án riêng để đảm bảo công việc như có thể làm luân phiên hay thường xuyên làm việc tại nhà. Cùng với đó, các đơn vị phải tiến hành thỏa thuận bổ sung với người lao động để đi đến thống nhất trong quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong vấn đề làm việc từ xa.

"Tôi cho rằng, vấn đề này cũng đang gặp phải những yếu tố tác động đến hiệu quả của công việc. Đơn cử như tính chất công việc, hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ, sự hợp tác trao đổi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức trong đơn vị đặc biệt tổ chức công đoàn cũng phải được nâng cao”, ông Trung phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn