MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gian lận thi cử: Thủ tướng chỉ đạo xử lý thông tin Lao Động phản ánh

Trần Vương - Huyên Nguyễn LDO | 23/04/2019 20:14
Ngày 23.4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý một số thông tin báo chí phản ánh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý nội dung báo Lao Động ngày 11.4.2019 nêu: "28 sinh viên Hòa Bình gian lận điểm thi bị trả về: Thí sinh Hà Giang xử lý sao?", báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngay sau khi có thông tin Bộ Công an trả về địa phương toàn bộ các thí sinh có liên quan đến gian lận điểm thi tại tỉnh Hoà Bình, Báo Lao Động đã phản ánh những bất bình trong dư luận đặt ra khi những thí sinh tại Hà Giang tại sao gian lận điểm thi vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm?

Theo các chuyên gia giáo dục, những thí sinh liên quan đến gian lận thi cử cần phải có hình thức xử lý nghiêm, đảm bảo sự công bằng với tất cả các thí sinh. Các em không thể được trở về điểm thật rồi vẫn đường đường chính chính đi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

GS Phạm Tất Dong nhận định: “Sinh viên sai khi các em không trung thực, biết điểm của mình được thay đổi theo hướng tăng lên mà không lên tiếng, vẫn tiếp tục xét tuyển vào đại học.

Việc đuổi học cũng là một bài học đau xót đối với các em. Cơ bản nhất vẫn là người mua và bán điểm. Vì thế, cần làm rõ danh tính của những người sửa điểm và mua điểm, thậm chí, cần xử lý nghiêm về hình sự”.

Ông Phạm Tất Dong cho rằng ở đây cần làm rõ và phải công bằng với các thí sinh.

“Chúng ta xử lý nhân văn nhưng không có nghĩa là cho qua tất cả. Những thí sinh đã dính đến gian lận điểm thi dù chưa sử dụng điểm này để xét tuyển vào các trường đại học nhưng vẫn cần có trách nhiệm, cần có biện pháp kỉ luật thích đáng. Tôi cho rằng cần sự công bằng với tất cả các học sinh", ông Dong nói. 

Từ đó, ông Dong cho rằng không nên công nhận kết quả thi, xét tuyển của những thí sinh đã gian lận thi cử trong năm 2018. Nếu các em muốn tiếp tục đi học thì có thể được phép thi lại vào năm sau. Ông Dong cũng mong muốn những học sinh này học tập chăm chỉ, học thật, thi thật và cố gắng trong tương lai.

TS Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng nhận định thí sinh được nâng 1 – 2 điểm có thể nói là lý do nhầm lẫn, không biết, nhưng nâng 5 – 7 điểm đến mười mấy điểm để nói không biết là khó chấp nhận. 

Mới đây, nói về việc trường có hình thức xử lý khác nhau, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ. "Vừa qua, các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ. Tôi ủng hộ cách xử lý của các trường này", ông Nhạ cho hay.

Ngày 9.4, trao đổi với PV Lao Động, một cán bộ tuyển sinh Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho hay: "Sau khi nhận được công văn kèm danh sách 64 thí sinh được nâng điểm thi THPT Quốc gia từ Sở GDĐT Hòa Bình, Cục đã gửi danh sách về cho các trường trực thuộc Bộ Công an để rà soát. Kết quả cho thấy, có 28 thí sinh gian lận điểm thi. Các trường công an cũng đã làm các thủ tục để trả tất cả các em này về địa phương, nơi các em đăng kí sơ tuyển" - cán bộ này cho hay.

Đại diện Bộ Công an cũng khẳng định tất cả các thí sinh gian lận điểm trúng tuyển vào ngành công an đều đã bị trả về địa phương. Bộ Công an đang phải xem xét việc cho các thí sinh này đăng ký xét tuyển vào các trường công an năm nay hay không, bởi tuyển sinh ngành công an có tính đặc thù, ngoài dựa trên kết quả thi, còn phải qua sơ tuyển, trong đó cần đảm bảo các yêu cầu về đạo đức, phẩm chất chính trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn