MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hướng tuyến của Vành đai 4 TPHCM. Đồ họa: Sở GTVT TPHCM

Giao cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối triển khai Vành đai 4 TPHCM

PHẠM ĐÔNG LDO | 08/08/2023 17:10

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Giao thông Vận tải và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là cơ quan điều phối và đầu mối tổng hợp dự án đường Vành đai 4.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 6032/VPCP-CN phân giao cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đại 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 7899/BGTVT-KHĐT ngày 24.7.2023 về việc cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau:

Đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải sẽ là cơ quan điều phối chung các dự án thành phần; giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Quyết định này thay thế nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 28.4.2023 của Văn phòng Chính phủ.

Dự án đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 197,6km, điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo lộ trình, dự án hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và lập nghiên cứu báo cáo khả thi dự án vào năm 2023. Quý IV/2024 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công. Hoàn thành dự án vào cuối 2027 và đưa vào khai thác sử dụng vào cuối 2028.

Đây là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo cách tư vấn đề xuất, tổng thể hướng tuyến của đoạn Vành đai 4 sẽ đi về phía đông nam (bên trái) so với đồ án quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến được nắn lại một số đoạn tránh các đường hiện hữu như Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành...

Phương án này giúp đoạn vành đai hạn chế ảnh hưởng các quy hoạch, nhất là khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2. Tổng chiều dài tuyến theo cách này khoảng 17,12km, giải toả 160ha với 533 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, kinh phí đầu tư ước tính 13.883 tỉ đồng.

Ngoài phương án trên, Vành đai 4 qua Thành phố Hồ Chí Minh còn hai hướng tuyến khác cũng được nghiên cứu. Trong đó, phương án một tuyến gần như đi trùng quy hoạch, dài 17,6km.

Tuy phạm vi giải toả ít với khoảng 121ha nhưng đi trùng nhiều đường hiện hữu, dẫn đến số trường hợp phải di dời nhiều nhất với hơn 1.100 hộ. Cách này cũng có chi phí đầu tư cao nhất với khoảng 25.000 tỉ đồng nếu đi trên cao và gần 17.800 tỉ đồng khi đi bằng mặt đất.

Phương án còn lại, tuyến đi về phía Đông Nam, tổng chiều dài 16,95km. Đây là hướng thẳng, ngắn và hạn chế thấp nhất qua các khu dân cư, tổng đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng.

Phương án này trước đây được đánh giá khả thi, nhưng theo liên danh tư vấn, tuyến sẽ cắt ngang khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi nên khó khăn thực hiện.

Theo kế hoạch được các địa phương tuyến Vành đai 4 đi qua thống nhất, trong năm nay, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công vào quý 4 năm sau.

Giai đoạn 1, Vành đai 4 sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ theo thiết kế, rộng khoảng 74,5m nhưng chỉ làm trước 4 làn xe cùng đường song hành hai bên. Dự án mang vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay.

Đặc biệt, tuyến đường kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn