MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: PV

Giới thiệu cán bộ phải gắn trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân

VƯƠNG TRẦN thực hiện LDO | 31/01/2020 07:36

Xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội XIII của Đảng. Việc này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, lãnh đạo đất nước trong tình hình mới. Theo ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, để không đưa vào cấp ủy những người “chạy chức, chạy quyền”, dùng bằng giả, không đủ tài năng, đạo đức phải đề cao trách nhiệm cá nhân, không chỉ là người đứng đầu mà cả những người giới thiệu, bảo đảm nhân sự đó.

Thưa ông, Đảng ta luôn chú trọng đến công tác cán bộ, đặc biệt là quy hoạch cán bộ các thời kỳ. Vậy hiện nay công tác cán bộ đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự kỳ vọng của người dân?

- Nhìn tổng quan có thể thấy, công tác chuẩn bị nhân sự, tuyển chọn nhân tài đã được đổi mới, chất lượng cấp ủy có được nâng lên. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong công tác cán bộ vẫn còn những điểm khuyết, hạn chế, để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy. Mặc dù có giảm bớt tệ “chạy chức, chạy quyền” nhưng vẫn còn đó những mối lo rất lớn dưới những thủ đoạn tinh vi hơn.

Quy hoạch là bước chọn lọc để chuẩn bị nguồn thay thế, tức là sàng lọc trước rất nhiều bước cho đến lúc quy hoạch, vào đội dự bị. Nhưng các bước nếu làm không đến nơi, đến chốn, bỏ lọt, nên khi đưa vào vòng quy hoạch thì chọn không đúng người. Quy hoạch cũng chỉ là một bước. Quy hoạch mà quá cứng nhắc để lựa chọn cán bộ trong khuôn khổ quy hoạch thì khó mà chọn được người tài.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, theo ông làm thế nào để không đưa vào cấp ủy những người “chạy chức, chạy quyền”, dùng bằng giả, không đủ tài năng, đạo đức?

- Phải đề cao trách nhiệm cá nhân, không chỉ là người đứng đầu mà cả những người giới thiệu, bảo đảm nhân sự đó. Nếu anh không cam kết giới thiệu, giới thiệu xong thì buông cho tập thể, sau đó để cho cán bộ đi vận động ngầm để hợp thức hóa bằng đa số thì rất nguy hiểm. Cho nên trách nhiệm tập thể phải gắn với trách nhiệm cá nhân. Ai là người giới thiệu, đề cử đầu tiên thì phải có cam kết bằng văn bản không chỉ với cấp ủy cùng cấp mà với cả cấp ủy cấp trên. Nếu như sau này, nhân sự được giới thiệu không xứng đáng, vi phạm thì người giới thiệu bị xử lý.

Quy trình bỏ phiếu cũng phải chặt chẽ, chia làm 2 phần, 1 phần là cuống phiếu, 1 phần là phiếu bầu. Dấu là do cơ quan thứ 3 (cơ quan cấp trên) đóng. Bỏ phiếu xong thì lá phiếu lưu ở cơ quan tổ chức, còn cuống phiếu lưu ở cơ quan kiểm tra cấp trên thì sẽ không đánh tráo được.

Chúng ta đã có nhiều bài học về công tác cán bộ nhưng vẫn để “lọt” những người cơ hội, tham vọng quyền lực, phẩm chất đạo đức kém vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trong khi quy định, quy trình trong công tác cán bộ khá chặt chẽ. Vì sao thưa ông?

- Vì tính răn đe chưa đủ sức. Các vụ án tham nhũng về kinh tế bị xử rất nghiêm, có cả án tử hình, chung thân để cảnh tỉnh những đối tượng có nguy cơ phạm tội. Nhưng vi phạm trong công tác nhân sự thì chúng ta xử lý kỷ luật, xử lý hành chính. Trong khi vi phạm trong công tác nhân sự còn tệ hại hơn tham nhũng về kinh tế.

Chừng nào những tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ chỉ dừng lại ở kỷ luật cảnh cáo, rút kinh nghiệm thì người ta sẽ không sợ. Cho nên tùy từng tình huống, từng trường hợp phải kết hợp giữa đức trị và pháp trị. Chính sách hình sự có khoan hồng và trừng trị, biện pháp quản lý của chúng ta từ giáo dục thuyết phục đến cưỡng chế thì phải nhuần nhuyễn.

- Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 cho thấy, năm 2019, đã kiện toàn hơn 850 cán bộ, phê duyệt quy hoạch trên 560 cán bộ diện Trung ương quản lý và phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIII đối với 184 cán bộ; tổ chức 4 lớp Bồi dưỡng kiến thức cho 181 cán bộ trong quy hoạch. Đã thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với hàng nghìn cán bộ các cấp phục vụ công tác đề bạt, quy hoạch; trong đó, gồm 1.077 trường hợp diện Trung ương quản lý và 204 trường hợp quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; bổ sung hồ sơ, hướng dẫn nghiệp vụ đối với 299 trường hợp diện cấp ủy các cấp quản lý.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn